Điểm kết nối sẽ lan tỏa và kết nối hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đặc biệt là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu.

Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết tại Lễ Khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ diễn ra chiều 03/10 tại thành phố Cần Thơ. Đây là điểm đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và là Điểm kết nối cung cầu công nghệ thứ 7 trên cả nước.

Các đại biểu cắt băng khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ
Các đại biểu cắt băng khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ

Giải pháp phát triển thị trường KH&CN tại địa phương

Thời gian qua, để thúc đẩy thị trường KH&CN, Bộ KH&CN đã nỗ lực và hoàn thiện cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN và đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Cụ thể, Bộ đã tập trung triển khai các Đề án, Chương trình Quốc gia về KH&CN: Chương trình quốc gia Phát triển Công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 nhằm hỗ trợ các hoạt động KH&CN theo cơ chế thị trường; thúc đẩy cung - cầu công nghệ; khuyến khích các hoạt động tư vấn, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ.

Việc xây dựng các Điểm kết nối cung - cầu công nghệ là một trong những giải pháp để phát triển các loại hình tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy hoạt động ứng dụng, xúc tiến chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Điểm kết nối cung cầu côn110g nghệ Cần Thơ sẽ đảm nhiệm các hoạt động: Điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp, đánh giá về nhu cầu và nguồn cung công nghệ, Tư vấn về công nghệ, kết nối đầu tư tài chính, tư vấn cải tiến kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trực tuyến; Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng đàm phán chuyển giao, mua bán công nghệ; kỹ năng quản lý công nghệ trong doanh nghiệp; hình thành mạng lưới các điều phối viên về chuyển giao công nghệ; Xây dựng dữ liệu công nghệ, chuyên gia công nghệ; Tổ chức các buổi giới thiệu, trình diễn công nghệ/hội thảo theo chuyên đề và theo nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, ông tin rằng điểm kết nối cung cầu công nghệ này sẽ tạo tính lan tỏa và kết nối cao của hệ thống hạ tầng phục vụ cho hoạt ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ; đưa nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN mới vào thực tiễn cuộc sống để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đời sống của người dân, đặc biệt là phòng ngừa, ứng phó và khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra.

2.	Các đại biểu tham quan Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ

Các đại biểu tham quan Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho biết, Cần Thơ với lợi thế trung tâm vùng ÐBSCL, thời gian qua đã có sự kết nối chặt chẽ với thị trường KH&CN, thị trường hàng hóa nói chung với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Do đó việc khai trương, đưa Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh các hoạt động trình diễn, giới thiệu, tư vấn công nghệ và thúc đẩy thị trường KH&CN.

Để hoạt động tại các Điểm kết nối cung cầu công nghệ mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, các nhà khoa học, viện nghiên cứu để tiếp tục hỗ trợ triển khai hợp đồng chuyển giao công nghệ thành công; thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh doanh nghiệp.

Thông tin từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, trước đó, cả nước đã có 6 Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại: TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội (2 điểm), tỉnh Phú Yên, Nghệ An, Đăk Lăk. Mặc dù các điểm này mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017 và đầu năm 2018 nhưng đã thực hiện hiệu quả trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ. Qua các Điểm kết nối cung cầu công nghệ trên cả nước đã tổ chức gần 80 lượt tư vấn, tọa đàm, kết nối cung cầu, thu hút 2500 lượt khách tham quan; giới thiệu và trình diễn gần 200 sản phẩm KH&CN, ký kết thành công hơn 10 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị gần 5 tỷ đồng, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Trung tâm; đồng thời đã kết nối với các chuyên gia nước ngoài để đào tạo Điều phối viên về chuyển giao công nghệ cho 20 học viên của Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay còn có 40 nhu cầu công nghệ của 30 doanh nghiệp, hợp tác xã với giá trị dự kiến đầu tư khoảng trên 170 tỷ đồng. Một số kết quả bước đầu của các điểm kết nối cung cầu công nghệ đã cho thấy hiệu quả của các điểm kết nối trong việc góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN tại các địa phương.