Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về bảo mật với các thiết bị mạng của Huawei, hãng này vừa giới thiệu sách trắng về bảo mật mạng trong thời kỳ chuyển đổi kỹ thuật số tại Vietnam Security Summit 2019.

Ngày càng có nhiều lo ngại đối với các thiết bị mạng và các thiết bị của Huawei nói chung từ các chính phủ trên khắp thế giới. Đến thời điểm này, nhiều quốc gia đã cấm các công ty viễn thông sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng di động thế hệ tiếp theo, 5G. Mỹ và Úc đã cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G và Canada đang trong quá trình cân nhắc. Một số nhà mạng viễn thông châu Âu cũng tỏ ra lo ngại và xem xét loại bỏ thiết bị Huawei. Ví dụ như nhà mạng BT của Anh thậm chí đã loại bỏ các thiết bị Huawei khỏi các bộ phận chính của mạng 4G.

Một camera giám sát bên cạnh một tấm biển Huawei bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh: WashingtonPost.

Theo Washington Post, một quan chức cấp cao về an ninh mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, Robert Strayer, tỏ ra lo ngại về mối quan hệ giữa chính phủ và các tập đoàn Trung Quốc, cũng như cách mà chính phủ Trung Quốc sử dụng và thu thập dữ liệu người dân. Đầu năm nay, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đã truy tố giám đốc tài chính của Huawei, cáo buộc bao gồm ăn cắp công nghệ robot từ T-Mobile và vi phạm lệnh trừng phạt chống lại Iran.

Về mặt kỹ thuật, các nhà cung cấp thiết bị mạng có khả năng tiến hành gián điệp thông qua mạng hoặc thậm chí gây gián đoạn liên lạc. Khi ngày càng nhiều thiết bị được kết nối với internet, bao gồm cả xe tự hành và lưới điện, mối đe dọa này càng lớn hơn. Đặc biệt, do cách thiết kế và vận hành của mạng 5G, việc theo dõi an ninh sẽ trở nên khó khăn và nguy cơ sẽ lớn hơn nữa, theo người đứng đầu dịch vụ tình báo MI6 của Anh, Alex Younger, trong trao đổi với Forbes.

Hiểu rõ những thách thức này, ông Mika Laudhe, Phó Chủ tịch về An ninh mạng, quyền riêng tư và đối ngoại toàn cầu của Huawei Technologies, nói tại Vietnam Security Summit 2019 diễn ra tại Hà Nội hôm nay, 17/4: “Khi mọi vật được kết nối cũng là lúc quy mô bị tấn công lớn hơn, dễ bị tổn thương hơn; việc chia sẻ tài nguyên và các nền tảng mở sẽ khiến ranh giới truyền thống của phòng vệ bị lu mờ đi; thông tin dữ liệu chi tiết hơn cũng đồng nghĩa với tăng nguy cơ rò rỉ và gây tác hại lớn hơn”.

Ông Mika Laudhe, Phó Chủ tịch về An ninh mạng, quyền riêng tư và đối ngoại toàn cầu của Huawei Technologies. Ảnh:index.hu.

Ông cho biết Huawei liên kết với các chuyên gia trên toàn cầu để phục vụ cho mục tiêu an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư. Huawei cũng phát triển các Phòng thí nghiệm an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư ở Trung Quốc, Đức, Pháp, Canada, Phần Lan và Singapore. “Bảo mật và bảo mật không gian mạng là ưu tiên hàng đầu của Huawei”, theo ông Mika Laudhe. “Huawei có một danh mục giải pháp bảo mật mạnh mẽ giải quyết nhiều lĩnh vực về nhu cầu bảo mật của khách hàng”.

Sách trắng khẳng định Huawei coi việc “mang kỹ thuật số an toàn đến với mọi người, mọi gia đình, mọi tổ chức để cùng xây dựng một thế giới thông minh, được kết nối trọn vẹn” là tầm nhìn và sứ mệnh an ninh mạng của mình. Sách trắng của Huawei được giới thiệu lần này cũng chia sẻ các thông tin về an ninh, an toàn mạng cho những kỹ thuật mới như an toàn mạng 5G, an ninh mạng cho IoT, an toàn mạng đám mây, an ninh thiết bị đầu cuối thông minh.