4 dự án khởi nghiệp đã thuyết phục được các nhà đầu tư rót vốn hơn 1.5 tỷ đồng ngay tại chương trình “Gọi vốn đầu tư CiC 2018” do Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (IEC) thuộc Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP) tổ chức ngày 17/10 tại TPHCM.

Các dự án này thuộc các nhóm khởi nghiệp bước ra từ cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2018”. Đây là Cuộc thi thường niên dành cho sinh viên trong và ngoài Đại học Quốc gia TPHCM, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2016. CiC là một trong số các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, giúp sinh viên nâng cao nhận thức, khám phá và trải nghiệm thực tiễn hoạt động khởi nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Anh Thi – Giám đốc ITP, CiC 2018 đã tiếp cận hơn 300.000 sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học của 35 tỉnh thành khu vực phía Nam và thu hút 130 nhóm dự án khởi nghiệp với hơn 300 sinh viên tham dự. Trải qua ba vòng thi, 7 nhóm xuất sắc đoạt giải chung cuộc CiC 2018.

"Nhằm tiếp tục hỗ trợ ươm tạo và phát triển các dự án tiềm năng, IEC tổ chức chương trình Gọi vốn đầu tư để các nhóm này có thể thực thi ý tưởng của mình" - ông Thi cho biết.

Các nhóm thuyết trình dự án của mình trước nhà đầu tư
Các nhóm thuyết trình dự án của mình với nhà đầu tư.

Kết quả, có bốn dự án đã gọi được vốn tại sự kiện này, bao gồm:

Flood housing – dự án xây nhà với chi phí thấp nhưng ứng dụng được với nhiều địa hình, đặc biệt phù hợp với vùng lũ lụt và vùng thường xuyên bị thiên tai. Hiện dự án đang xây nhà cho người dân vùng lũ tại huyện Thanh Bình và Tam Nông thuộc tỉnh Đồng Tháp. Flood housing được Công ty Đầu tư Nguyễn Hà và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Vũ Phong đầu tư 300 triệu đồng.

Shub - hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên và cán bộ giảng viên trong việc hình thành môi trường Đại học thông minh (Smart campus) qua việc xây dựng một nền tảng các ứng dụng công nghệ vào các hoạt động diễn ra ở trường. Dự án được Công ty HTC –ICT và Meete đầu tư 300 triệu đồng.


l
Flood housing được nhà đầu tư quan tâm bởi tính thực tiễn và ý nghĩa xã hội.

VSN Academy - ý tưởng xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ kết nối 4 bên bao gồm người học, người dạy, trường học và doanh nghiệp, được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Đại học Quốc gia TPHCM đầu tư 200 triệu đồng và Công ty HTC-ITC đầu tư 100 triệu đồng.

iNut Platform - nền tảng công nghệ dùng cho việc lập trình và phát triển các ứng dụng của IoT để tạo nên một hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện, ...) và điều khiển được trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính. Dự án được Công ty HTC –ICT đầu tư 625 triệu đồng.

Theo các nhà đầu tư, các dự án của cuộc thi năm nay có tính thực tiễn và khả năng áp dụng cao. Tuy nhiên, để kêu gọi được vốn đầu tư cũng như thu hút đơn đặt hàng nhiều hơn, dự án cần tập trung trước mắt vào phần kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn, vận hành tốt. Các nhà đầu tư cũng khuyên các nhóm nên xây dựng mô hình mẫu và chú ý đến việc đăng ký độc quyền sáng chế.