Hơn 200 đại biểu đã có mặt ở Hà Nội sáng 23/3 để dự Hội nghị các nhà khoa học trẻ toàn quốc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ lần thứ IV về chủ đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hội nghị do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Khoa học tự nhiên tổ chức với sự tài trợ của Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu Á (ARC) và Công ty cổ phần thiết bị Thắng Lợi.

Cũng như ba lần trước, Hội nghị lần thứ IV có mục đích tăng cường sự trao đổi, hợp tác trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học trẻ trên cả nước thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ.

Tuy nhiên, theo TS Đào Sỹ Đức, đồng Trưởng ban tổ chức, năm nay là lần đầu tiên Hội nghị gắn với một chủ đề cụ thể.

Hơn 200 nhà khoa học tuổi dưới 40 dự Hội nghị tại Hội trường Lê Văn Thiêm, Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Vũ

Sau 5 tháng chuẩn bị, Hội nghị đã nhận được 200 bài báo chuyên sâu thuộc các lĩnh vực Hóa học, Sinh học và Khoa học Trái đất đến từ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu lớn như Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Cần Thơ, Viện Kỹ thuật Hóa học, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển Hải Phòng...

Trong số đó, 4 báo cáo tổng quan và 20 báo cáo khoa học được trình bày ở 2 tiểu ban lớn. Có thể kể ra một số báo cáo có tính ứng dụng cao như: “Công nghệ Biogas để xử lý phụ phẩm chế biến rau quả và thu hồi năng lượng tái tạo ở Việt Nam”, “Kết hợp sàng lọc silico một số hợp chất tự nhiên với các phương pháp thực nghiệm sinh học để phát triển các dược phẩm tiềm năng”, “Chế tạo bề mặt siêu kỵ nước cấu trúc nano ứng dụng trong dẫn sáng lỏng cho các giải pháp chiếu sáng tiết kiệm năng lượng”...

TS Đào Sỹ Đức cho biết, các báo cáo tại Hội nghị sau đó sẽ được chuyển đến Ban biên tập của hai tạp chí Hóa họcSinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để đăng tải, nếu qua được vòng phản biện.

TS Nguyễn Trần Thuật, Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ với Khoa học và Phát triển, đây là lần đầu anh dự Hội nghị và rất bất ngờ về con số bài báo gửi đến Hội nghị cũng như ấn tượng về chất lượng các báo cáo được trình bày. "Tôi đặc biệt ấn tượng với báo cáo của PGS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Báo cáo của chị ấy giới thiệu các phép đo rất tốt về phổ nhiễu xạ hay phổ hấp thụ tia X. Tôi sẽ tìm gặp chị ấy để tìm hiểu xem các phép đo đó được thực hiện ở đâu để còn xin đo 'ké'."

Theo Ban tổ chức, Hội nghị được tổ chức hai năm một lần và chỉ dành cho các nhà khoa học tuổi dưới 40.

Qua bốn lần tổ chức, Hội nghị đã nhận được hơn 700 công trình khoa học thuộc nhiều lĩnh vực. Không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa các nhà khoa học trẻ trên toàn quốc, "Hội nghị còn tạo cơ hội để họ xích lại gần nhau, hình thành những nhóm nghiên cứu liên ngành, liên trường”, như PGS.TS. Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – nhận định.