Số công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua nhưng các trường vẫn chưa tạo được nguồn thu từ tiềm năng tri thức to lớn này.

Tại hội thảo "Xây dựng cơ chế chính sách phát triển KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học" diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 25/4, GS.TS Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, giai đoạn 5 năm (2011-2015), tổng công bố quốc tế của Việt Nam là 10.034 bài, tăng 4,5 lần so với 2013. Nhưng chỉ trong một năm rưỡi - từ năm 2017 tới tháng 6/2018 - riêng 30 trường đại học hàng đầu Việt Nam đã có tới 10.515 bài, theo thống kê của Đại học Duy Tân. Các trường đại học Việt Nam chứng tỏ đang là nơi tập hợp lực lượng nghiên cứu hùng hậu nhất.

Thế nhưng, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chủ yếu vẫn đến từ học phí và ngân sách thường xuyên. Trong khi ở nước ngoài, nhất là ở những cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, nguồn thu từ hoạt động KH&CN chiếm phần lớn. Các trường có nguồn thu từ đấu thầu các dự án nghiên cứu lớn; ứng dụng và chuyển giao công nghệ thông qua việc lập các doanh nghiệp, công ty trong trường và hợp tác mạnh mẽ với doanh nghiệp bên ngoài.

“Đại học Hàn Quốc có hơn 30 công ty trong trường, tạo ra hơn 30% nguồn thu. Nhà trường chỉ thành lập công ty đầu tiên, công ty mẹ, từ công ty mẹ hình thành các công ty con dựa trên ý tưởng nghiên cứu của trường và của các nhà đầu tư. Trường đại học thực sự sống được nhờ sử dụng trí tuệ khoa học.” Trong khi đó, ở Việt Nam, ông nói, mặc dù việc lập công ty, doanh nghiệp trong trường đại học đã được Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đề cập nhưng chưa đủ chi tiết và cụ thể để tạo một hành lang pháp lý rõ ràng.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, động cơ kiếm tiền từ kết quả nghiên cứu là chính đáng nhưng ở giai đoạn này, nên ưu tiên mục tiêu phát triển tiềm lực thì phù hợp hơn. Để làm được việc đó, nên tiến hành đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo gói, theo chương trình, chứ cơ chế cạnh tranh theo nhiệm vụ hiện nay dẫn đến tản mát nguồn lực tài chính và không có sự hợp lực giữa các trường, ông nói. Ngoài ra, việc đào tạo phải gắn với đào tạo trình độ cao; và các chính sách về sở hữu trí tuệ cũng cần rõ ràng, vì nếu “không trả lời được câu hỏi ai là chủ sở hữu các sản phẩm nghiên cứu thì không có người dám bỏ tiền ra đầu tư mua sản phẩm”.

Bản thân ông dự tính, trong vòng 5-10 năm tới, Đại học Bách khoa chưa nghĩ tới nguồn thu từ hoạt động KH&CN do các kết quả nghiên cứu tốt, độc đáo đòi hỏi sự phát triển từng bước. “Một chuyên gia Bỉ cho chúng tôi biết, thông thường các doanh nghiệp trong trường phải mất 15 năm mới bắt đầu có lợi nhuận.”

Bàn về khả năng sinh lợi từ tri thức còn thấp của các cơ sở giáo dục đại học, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng, từ chỗ chỉ có các thầy đồ thạo từ chương và thơ phú, ngày nay chúng ta đã có các nhà nghiên cứu, có sản phẩm là các bài báo ISI. "Nhưng suy cho cùng, các bài báo ISI cũng chỉ là một dạng thơ”, ông ví von, nếu chỉ dừng ở đó, khoa học khó có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Trước kia, khi được cử đi học nước ngoài, chúng ta có thể được dạy về Lý, về Toán nhưng không bao giờ được dạy về innovation và sở hữu trí tuệ, chúng ta tưởng rằng khoa học chỉ có vậy, chúng ta thấy cây mà không thấy rừng,” ông nói và bày tỏ quan điểm, khi các chính sách về KH&CN ngày nay đã được gắn thêm chữ I (innovation) để trở thành STI (Khoa học – Công nghệ - ĐMST) thì cần đề cao mô hình 3I: ISI, IP, và Innovation.

Ông cũng ví khoảng cách giữa các trường đại học và doanh nghiệp như “thung lũng chết”, các trường có tiềm năng về tri thức, sáng tạo nhưng không có vốn đầu tư; trong khi các doanh nghiệp có tiền nhưng không có IP, không có sản phẩm. “Innovation chính là hoạt động để lấp đầy thung lũng đó”.


Nhóm nghiên cứu Vật liệu và kết cấu tiên tiến - một nhóm nghiên cứu mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguồn: uet.vnu.edu.vn

GS.TS Nguyễn Đình Đức đồng tình rằng, innovation cần trở thành một tiêu chí để đánh giá các trường đại học, bên cạnh tiêu chí về nhóm nghiên cứu mà theo ông, “là nơi đào tạo và thu hút nhân tài” để thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới trong trường đại học.

Điều đáng nói là hiện chưa có nền tảng pháp lý nào để tạo động lực cho những giảng viên tham gia nhóm nghiên cứu - họ chủ yếu bị chi phối bởi quy chế giảng viên, khối lượng giờ giảng còn lớn. Và trong khi ở nước ngoài, những nhóm nghiên cứu mạnh có thể nhận hỗ trợ cả triệu USD, người đứng đầu nhóm có thẩm quyền rất lớn, thì ở Việt Nam nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu còn hạn chế và thường bị cấp chậm; người đứng đầu nhóm cũng chẳng có thẩm quyền gì hơn ngoài thẩm quyền với học trò của mình.

GS Đức đánh giá, nhu cầu chính của các nhóm nghiên cứu hiện nay là có chỗ làm việc và được đầu tư đồng bộ thiết bị nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông đề xuất nên sớm có các tiêu chí để công nhận nhóm nghiên cứu cấp cơ sở giáo dục đại học, cấp quốc gia (nhóm nghiên cứu mạnh), và cấp quốc tế (trung tâm xuất sắc) để phân loại và đầu tư cho hiện tại và quy hoạch cho tương lai. Đồng thời, phải có các chính sách hỗ trợ thường xuyên; chính sách bảo đảm quyền lợi và thẩm quyền của người đứng đầu nhóm; chính sách thu hút chất xám, kể cả từ nước ngoài; và chính sách phát triển nhóm nghiên cứu mạnh thành trung tâm xuất sắc.

Hội thảo "Xây dựng cơ chế chính sách phát triển KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học" do Bộ GD&ĐT và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức với sự tham gia hội thảo có lãnh đạo của các cơ sở giáo dục đại học từ Huế trở ra Bắc. Trước đó, hội thảo đã được tổ chức ở TPHCM vào ngày 22/4.
Hội thảo thảo luận 3 vấn đề chính liên quan đến chính sách phát triển KH&CN trong trường đại học, đó là nhóm nghiên cứu mạnh; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; và phòng thí nghiệm trọng điểm. Đây được coi là 3 vấn đề cốt yếu để nâng cao tiềm lực KH&CN của các cơ sở giáo dục đại học nhưng hiện chưa có sự hậu thuẫn lý tưởng về mặt chính sách.