Việc chỉ 40 trong 300 doanh nghiệp được mời đã đến dự hội thảo về tài sản trí tuệ tại TPHCM ngày 19/5, không doanh nghiệp nào trong số đó có cán bộ hay bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ cho thấy sự thờ ơ của doanh nghiệp đối với lĩnh vực này.


Tại hội thảo “Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp” do Sở KH&CN TPHCM phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM tổ chức ngày 19/5, bà Hoàng Tố Như - Phòng Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Sở KH&CN cho biết, mặc dù vấn đề SHTT đang trở thành tâm điểm của sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp nhưng trong số 300 doanh nghiệp được gửi thư mời dự hội thảo này, chỉ 40 doanh nghiệp tham gia, không một doanh nghiệp nào có cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách về SHTT.

"Điều này chứng tỏ doanh nghiệp vẫn còn rất thờ ơ, chưa nhận thức đủ về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình" - bà Như nói và cho biết, nếu bị khiếu kiện về hành vi xâm phạm quyền SHTT, doanh nghiệp sẽ mất uy tín, thời gian, bị phạt tiền, mất thị trường và có thể phá sản.

Bà Hoàng Tố Như chia sẻ về hoạt động sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp
Bà Hoàng Tố Như chia sẻ về hoạt động SHTT với các doanh nghiệp.

Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho rằng, bất cứ sản phẩm mới nào nếu ra thị trường và thu hút khách hàng thành công thì sớm muộn cũng sẽ bị các đối thủ cạnh tranh bằng cách tung ra sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn. Điều này đẩy nhà sáng tạo gốc ra khỏi thị trường. Họ đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển sản phẩm nhưng đối thủ cạnh trạnh tranh lại hưởng lợi từ kết quả đầu tư đó.

"Đây là một lý do quan trọng để doanh nghiệp cân nhắc kỹ khi sử dụng hệ thống SHTT để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình"- ông Việt Anh nhấn mạnh và chobiết, những sản phẩm tiêu biểu do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức xét chọn đều có chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, nhưng . Nhưng doanh nghiệp ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cần thiết, chỉ dừng lại ở việc kiểm định, công bố theo quy định của nhà Nước và việc này mang tính thủ tục là chính.

Nhiều đại biểu dự hội thảo giải thích rằng, do là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên họ không có bộ phận chuyên trách về SHTT. sở hữu trí tuệ. Một số doanh nghiệp đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện về việc xâm phạm quyền SHTT nhưng đều tự thỏa thuận, giải quyết được. Một số doanh nghiệp phàn nàn thủ tục đăng ký bảo hộ SHTT còn rườm rà, gây mất thời gian và tiền bạc nên chưa mặn mà với hoạt động này.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của SHTT nên đang nỗ lực tìm hiểu kiến thức, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo để nắm được quy định pháp luật về xác lập và bảo vệ quyền SHTT, nâng cao kỹ năng quản lý, sử dụng hiệu quả các loại tài sản trí tuệ.

Bà Như cho biết thêm, hiện Sở KH&CN TPHCM thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn miễn phí với nhiều nội dung khác nhau về SHTT cho doanh nghiệp; đồng thời triển khai một số chương trình liên quan đến tài sản trí tuệ mà doanh nghiệp có thể tham gia và nhận hỗ trợ.