Lần đầu Hội nghị Các công nghệ vật liệu polymer tiên tiến (Emerging Polymer Technologies Summit - EPTS) rời địa điểm tổ chức quen thuộc là Melbourne đến Hà Nội. Hai trong số ba chủ tọa của hội nghị lần này cũng là những nhà khoa học gốc Việt uy tín.

Diễn ra từ ngày 4-8/11 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, 19 Lê Thánh Tông, EPTS lần thứ ba kết hợp tổ chức đồng thời với Hội nghị các công nghệ vật liệu nổi bật lần thứ nhất (Emerging Material Technologies Summit 2018 - EMTS’18).

Tại đây, những nhà nghiên cứu đầu ngành sẽ trình bày những tiến bộ mới nhất về khoa học và kỹ thuật vật liệu. Hội nghị còn là dịp củng cố các mạng lưới các nhà khoa học hiện có và mở rộng thêm các kết nối hợp tác khác.

Những chủ đề chính được trình bày tại hội nghị về cơ bản bao gồm: vật liệu phục vụ ứng dụng năng lượng tái tạo; vật liệu phục vụ ứng dụng sinh học và y học; mô phỏng vật liệu; và nghiên cứu cơ bản về vật liệu.

Với chương trình này, Ban tổ chức mong muốn thể hiện khoa học đa ngành đã phát triển như thế nào và vì sao sự hợp tác đa ngành là tiếp cận tốt nhất để giải quyết những thách thức hiện nay.

EPTS được tổ chức bởi The International Innovative Research Network (iiRNet), một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn và chia sẻ ý tưởng nghiên cứu giữa các nhà khoa học trên toàn thế giới; cũng như hỗ trợ sinh viên và nhà khoa học trẻ, đặc biệt là nhà khoa học nữ có con nhỏ hoặc nhà nghiên cứu chịu thiệt thòi.

Hai kỳ EPTS trước đó đều được tổ chức ở Melbourne, lần lượt tại khách sạn Rydges trong khuôn viên Trường Đại học Melbourne vào năm 2016 và tại Trường Đại học Kỹ thuật Hoàng gia RMIT vào năm 2017.

Chị Lê Cẩm Tú, giám đốc iiRNet, cho Khoa học và Phát triển biết, iiRNet quyết định tổ chức hội nghị ở Hà Nội với mong muốn tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và các nước trong khu vực gặp gỡ các nhà nghiên cứu đầu ngành trên thế giới, và các bạn sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về các mảng nghiên cứu hiện đang thu hút sự quan tâm của các phòng nghiên cứu lớn.

Hai trong số ba chủ tọa hội nghị năm nay là những nhà khoa học gốc Việt uy tín, trong đó Giáo sư người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thục Quyên (Đại học California ở Santa Barbara, Mỹ) là một trong những nhà nghiên cứu tiên phong ở lĩnh vực vật liệu hữu cơ và thiết bị điện tử hữu cơ. Bà có mặt trong danh sách 1% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều thế giới trong ba năm liên tiếp, từ năm 2015 đến năm 2017. Bà cũng là một trong tám thành viên Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.

Một chủ tọa khác là giáo sư người Úc gốc Việt Thang Hoa San (Đại học Monash và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp của Khối Thịnh vượng chung -CSIRO), nhà khoa học đã công bố 120 bài báo với tổng số lần được trích dẫn tính đến nay là 14.600 và h-index là 45. Ông cũng là người nắm giữ 24 họ sáng chế, và đóng vai trò chủ chốt trong một số phát minh quan trọng thuộc lĩnh vực tổng hợp polymer bằng cơ chế gốc tự do. Đặc biệt, ông là người đồng phát minh quy trình RAFT - Polymer hóa qua trao đổi đoạn mạch theo cơ chế ngược (Reversible Addition-Fragmentation Chain Transfer).

Tham gia tổ chức hội nghị còn có nhiều nhà khoa học Việt Nam ở Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Việt-Pháp, Đại học Fulbright Việt Nam và cả những nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở một số trường đại học nước ngoài như Đại học RMIT và Đại học Monash (Úc), Đại học Houston (Mỹ), Đại học Tohoku (Nhật Bản).

Hội nghị sẽ nghe 6 diễn giả thuyết trình tại 3 phiên toàn thể và gần 40 diễn giả khách mời thuyết trình tại 9 phiên song song và một phiên poster. Các diễn giả này đến từ Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Pháp, Ý, Trung Quốc, Việt Nam…

International Union of Pure and Applied Chemistry (IUPAC) sẽ tài trợ cho 20 sinh viên, mỗi người 200 USD, để trang trải chi phí đi lại hoặc phí lưu trú. Những sinh viên này cũng được Ban tổ chức EPTS/EMTS'18 tài trợ phí tham dự hội nghị (tương đương 250-350 USD). Các ứng viên có thể gửi hồ sơ đến địa chỉ: tu.le@iirnet.org chậm nhất vào ngày 15/7.

Hội thảo về mô phỏng vật liệu sẽ được tổ chức trước, vào ngày 3/11/2018 và mở cửa miễn phí, người tham dự chỉ cần đăng ký bằng cách gửi email đến: emts18.office@gmail.com.