Bên cạnh rào cản về pháp lý, tự thân các doanh nghiệp Fintech cũng đang gặp những khó khăn do tuổi đời khá trẻ (dưới 5 năm), khả năng xác định vấn đề cũng như cách giải quyết vấn đề còn hạn chế.


Các diễn giả tại Hội thảo.

Đó là những vấn đề chính được thảo luận tại Hội thảo của Làng khởi nghiệp công nghệ tài chính (Fintech Village), tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Vietnam 2018) ngày 30/11/2018, tại Đà Nẵng.

Tại Việt Nam, các startup fintech “sinh sau đẻ muộn” (từ khoảng năm 2015) so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng phát triển. Hiện cũng đã có khoảng 100 doanh nghiệp fintech, trong đó lĩnh vực hoạt động chủ đạo là thanh toán. Theo nghiên cứu của Solidiance, tính đến hết năm 2017, thị trường fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD (dựa trên giá trị giao dịch) và dự kiến có thể đạt ngưỡng 7,8 tỉ USD vào năm 2020.

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, hiện có 26 tổ chức đã được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trong thời gian thanh toán. Thanh toán di động trở thành xu hướng với các công nghệ như mã QR/tiếp xúc trường gần NFC/số hóa thông tin thẻ (tokenization)/ví điện tử… Có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, khoảng 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet, 41 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Hội thảo, việc phát triển thị trường fintech Việt Nam còn gặp trở ngại lớn nhất là vấn đề pháp lý. Cụ thể, thể chế quản lý hoạt động fintech hiện chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản cụ thể nào, cũng chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động fintech. Ngoài ra, tự thân các công ty fintech cũng gặp các vấn đề khác như tuổi đời còn khá trẻ (dưới 5 năm), nhiều công ty như chưa xác định được vấn đề cần giải quyết cũng như cách thức giải quyết.

Cơ sở hạ tầng cho fintech cũng còn nhiều hạn chế. Theo ông Phạm Trung Kiên – Phó Chủ tịch Viettel Telecom, mở rộng hạ tầng cho Fintech cũng là bài toán khó. Việc mở rộng chi nhánh, cây ATM đang là gánh nặng chi phí. Tại Việt Nam trung bình cứ 3 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 24 ATM phục vụ 100.000 dân, trong khi đó trung bình trên thế giới, 10 chi nhánh phục vụ 100.000 dân, 53 ATM phục vụ 100.000 dân.

“Bắt tay” giữa ngân hàng – fintech và techfin

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp fintech phát triển, các đại biểu tại hội thảo đã thảo luận và đưa ra gợi ý giải pháp “sự bắt tay” giữa ngân hàng – tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua công nghệ kỹ thuật số (fintech) – công ty công nghệ cung cấp các sản phẩm tài chính (techfin)… Bởi vì nếu phát triển độc lập, fintech sẽ có ít niềm tin từ khách hàng, khó tăng trưởng quy mô người dùng, còn techfin sẽ thiếu kinh nghiệm trong hoạt động tài chính ngân hàng, và ngân hàng sẽ khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới do bài toán hiệu quả chi phí, quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp. Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, việc kết hợp này sẽ biến Fintech trở thành “cánh tay nối dài” của các ngân hàng tới những người dùng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống, mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn.

Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Trung Kiên cũng đánh giá, việc “kết nối chia sẻ” sẽ tập trung sức mạnh, huy động được tài chính, công cụ, nguồn lực đầu tư, dữ liệu lớn. Mỗi bên đều có những thế mạnh: Viettel có tập khách hàng lớn, hạ tầng viễn thông (3G, 4G, 5G,…), am hiểu hành vi tiêu dùng, hạ tầng công nghệ được đầu tư mạnh, kênh phân phối rộng khắp; Các công ty Fintech mang tính chất là startup (khởi nghiệp) nên rất sáng tạo và năng động, có nhiều sản phẩm mới. Họ đánh giá dịch vụ ngân hàng dưới góc độ của khách hàng và sẵn sàng cung cấp các dịch vụ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dung; Ngân hàng có kinh nghiệm tài chính, nguồn vốn dồi dào, niềm tin lớn từ khách hàng, am hiểu khả năng tài chính của khách hàng,…

Các diễn giả đều thống nhất, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tổng thể cho lĩnh vực fintech bởi đây là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển của cuộc CMCN lần thứ tư. Chính phủ cần có ưu đãi hỗ trợ về thuế, nhân lực cho các fintech. Chính phủ có thể ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm khi chưa thể xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tổng thể ngay lập tức.

Ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) của NHNN vào tháng 3/2017 với mục tiêu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam. NHNN đang tập trung nghiên cứu một số vấn đề trọng tâm như công nghệ chuỗi khối (blockchain), cho vay ngang hàng (P2P Lending), định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API), thanh toán điện tử (e-payments).