Dự án trị giá 444.000 Euro, trong đó Liên minh châu Âu EU đóng góp 85%, được thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2020 nhằm lan tỏa việc ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời sạch và bền vững tại thành phố Đà Nẵng.

Dự án Phát triển Năng lượng Mặt trời tại Đà Nẵng (DSED) do Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng thực hiện.

Công ty Năng lượng Mặt trời Bách khoa (Solar BK) chịu trách nhiệm cung cấp thiết bị và lắp đặt. Đây là công ty do các tiến sĩ Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh thành lập, chuyên nghiên cứu, phát triển các sản phẩm và giải pháp về năng lượng tái tạo Việt Nam. Công ty hiện có nhà máy sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời theo tiêu chuẩn quốc tế tại Vũng Tàu.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng, thành phố này xếp thứ 5 trong 16 tỉnh, thành có tiềm năng về năng lượng môi trường, với số giờ nắng trung bình trong tháng là 177 giờ và cường độ bức xạ trung bình là 4,89 kWh/m2/ngày.

Trong khuôn khổ Dự án DSED, có 4 hệ thống được lắp đặt tại 2 bệnh viện và 2 trường học với công suất thiết kế 8,25 kWp/hệ; và 6 hệ thống được lắp đặt tại hộ gia đình với công suất thiết kế 2,75 kWp/hệ. Tất cả các hệ thống về cơ bản đã đi vào vận hành từ tháng 6/2019 và hòa lưới điện quốc gia. Ước tính mỗi năm, 10 hệ thống này góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính khoảng 34,96 tấn CO2; đồng thời giúp các cơ sở công tiết kiệm 26 triệu đồng/hệ và các hộ gia đình tiết kiệm 8,6 triệu đồng/hệ.


Hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Đà Nẵng. Ảnh: Phái đoàn EU

Mới đây, trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019, Dự án DSED đã tổ chức khánh thành hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp mái tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Phát biểu tại sự kiện, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Trong tương lai, năng lượng được coi là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Việt Nam... EU cam kết mạnh mẽ và ủng hộ phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, bằng việc triển khai các dự án gia tăng hiệu quả năng lượng, tăng thị phần của năng lượng tái tạo và đảm bảo tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng cho mọi người, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất”.

Việt Nam là nước có tổng lượng phát thải khí nhà kính thấp trên toàn cầu, cụ thể là năm 2013 chỉ phát thải khoảng 259 triệu tấn CO2e (carbon dioxide equivalent - carbon dioxide tương đương) trong tổng số 36 tỉ tấn CO2e phát thải của thế giới (tức khoảng 0,72%). Mức phát thải bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, song đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với các quốc gia này. Mức phát thải bình quân đầu người đã tăng gần 6 lần - từ 0,3 tấn CO2/người năm 1990 lên 1,71 tấn CO2/người năm 2010 - trong khi Trung Quốc tăng 3 lần, Hàn Quốc tăng 2,5 lần và Thái Lan tăng 2 lần. Dự tính lượng khí thải CO2 của Việt Nam tăng lên 300 triệu tấn vào năm 2020, trong đó năng lượng vẫn là nguồn phát thải lớn nhất (khoảng 51%, theo con số năm 2013).

Trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010 bằng nguồn lực trong nước. Mức cắt giảm có thể tăng lên 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.


Hàng năm, các phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) trên khắp thế giới tiếp cận các cộng đồng và tổ chức đối tác, đề cao hoạt động tích cực trên toàn cầu và hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Năm nay, Phái đoàn phối hợp với các đại sứ quán thành viên và các đối tác giới thiệu một loạt hoạt động nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với nhu cầu cấp bách trong việc chống biến đổi khí hậu.

Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An từ ngày 27/9 tới 6/10 với các hoạt động:

+ Chiều 27/9: Hội thảo và thảo luận với sinh viên Đại học Đà Nẵng, do Nhóm công tác về biến đổi khí hậu và Đại học Đà Nẵng tổ chức.

+ Sáng 28/9: Sự kiện đạp xe ở Hội An, do tổ chức GIZ của Đức phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hội An thực hiện.

+ 9h30 sáng 03/10: Chiếu phim “Truy tìm rạn san hô” tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội L'Espace (miễn phí vé vào cửa). Sau buổi chiếu phim là phần thảo luận với giới trẻ.

+ Ngày 05 - 06/10: Chiến dịch làm sạch khu vực chân cầu Long Biên, phối hợp với tổ chức Keep Hanoi Clean.