Đó là hướng hoạt động của Hội sáng chế Việt Nam trong năm 2017, được Tổng Thư ký hội tiết lộ trong lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập (26/10/2015 - 26/10/2016) và tọa đàm “Sáng chế và Khởi nghiệp” tại TPHCM.

Ông Bùi Văn Quyền - Tổng Thư ký Hội Sáng chế Việt Nam - cho biết, sau một năm thành lập, hội đã có gần 200 hội viên cá nhân và tập thể. Hội đã ổn định tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng hoặt động, phát triển hội viên, hợp tác với các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để tổ chức các hội thảo, hội nghị, đào tạo chuyên đề và kiến tạo tinh thần khởi nghiệp. Trong năm 2017, Hội sẽ đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường công tác hỗ trợ hội viên hội nhập, gắn đổi mới sáng chế với khởi nghiệp. Hội cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức hữu quan trung ương và địa phương, tạo lập phong trào phát triển tài sản trí tuệ trong mối liên kết doanh nghiệp -viện/trường, định hướng các lĩnh vực kinh tế, công nghệ mũi nhọn.

Máy dệt mành cọ - Sáng chế của anh Nguyễn Xuân Trường (Thái Nguyên)
Máy dệt mành cọ - Sáng chế của anh Nguyễn Xuân Trường (Thái Nguyên)

Ông Trần Quốc Thắng - Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam - nhận định, sau khi thành lập, hội đã kết nối được những người đam mê sáng tạo, các nhà sáng chế với các nhà đầu tư, làm lan tỏa những ý tưởng đổi mới sáng tạo để cuối cùng cho ra sản phẩm cụ thể và thương mại hóa thành công.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, cộng đồng sáng chế Việt Nam còn yếu, rất thiếu những sáng chế mang tính đột phá, trong khi sáng chế phải tạo ra được sản phẩm và có thị trường thì mới có thể khởi nghiệp. Tuy nhiên, những khởi nghiệp bắt nguồn từ công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo thường rất thành công và bền vững.