Chỉ sau khi tung ra thị trường 2 sáng chế được cấp bằng độc quyền để kinh doanh, doanh thu của Công ty TNHH Yến sào LoveNest đã tăng mạnh (hơn 80%) so với trước đây. Từ khó khăn, chật vật khi mới khởi nghiệp, việc đăng ký sáng chế đã giúp Công ty tìm được hướng đi cho riêng mình để phát triển.


Doanh nghiệp khởi nghiệp: Ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ

Tại Hội thảo "Nhận diện tài sản vô hình và tài sản trí tuệ (TSTT) trong doanh nghiệp” do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (AHBI) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 11/4 tại TPHCM, ông Trần Duy Hưng – Giám đốc Công ty TNHH Yến sào LoveNest cho biết, là một doanh nghiệp còn non trẻ, nên những năm đầu thành lập, Công ty thực sự khó khăn khi không tìm được hướng đi riêng cho mình để có thể tồn tại trong một thị trường mà áp lực bị các công ty lớn đánh bại là rất lớn.

“Sau khi tham gia một lớp đào tạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) của AHBI, tôi mới hiểu được thế nào là SHTT và các lĩnh vực liên quan. Chính từ đây chúng tôi cũng nhận thức được mình đang có trong tay nhiều tài sản trí tuệ mà không biết cách khai thác, trong khi giá trị mà nó mang lại thị trường là rất lớn” – ông Hưng chia sẻ.

ô
ÔngTrần Duy Hưng chia sẻ kinh nghiệm về áp dụng quản trị TSTT đối với doanh nghiệp

Sau khi đăng ký 4 sáng chế độc quyền và 1 kiểu dáng công nghiệp, cách đây hơn 2 tháng, Công ty TNHH Yến sào LoveNest đã đưa ra thị trường 2 sáng chế là lưới tổ yến treo và đà yến cấu trúc kim tự tháp. Nhờ hai sáng chế độc đáo với nhiều lợi ích này, Công ty nâng cao hình ảnh thương hiệu và từ đó nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách. “Chỉ hơn hai tháng tung ra thị trường đến nay, những hợp đồng ký kết bàn giao lưới tổ yến treo và đà yến cấu trúc kim tự tháp thực hiện đến hết năm 2019. Dự kiến doanh thu tăng hơn 80% so với trước đây” – ông Hưng chia sẻ.

TS. Nguyễn Hải An – Giám đốc AHBI cho biết, hiện nay các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký quyền bảo vệ SHTT hoặc ngại đi đăng ký vì nhiều lý do. Điều này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền SHTT cả các doanh nghiệp. “Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường không nắm được tầm quan trọng của quyền SHTT và vẫn còn thờ ơ với chúng” - ông An nhấn mạnh và cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài sản hữu hình chiếm ¼ tổng giá trị tài sản doanh nghiệp, nghĩa là tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu chiếm ¾ tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ, TSTT đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cần có chiến lược khi kinh doanh sáng chế

Qua bài học kinh doanh của mình, ông Hưng cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tập trung vào TSTT, nên đăng ký quyền bảo vệ SHTT và tìm cách khai thác, bảo vệ nó. Doanh nghiệp cần phải tìm hiểu sâu về SHTT qua các khóa đào tạo, tìm hiểu kiến thức ở nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời, có thể tìm người am hiểu sâu về lĩnh vực này tư vấn, hỗ trợ cho mình trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải có chiến lược đi ra thị trường một cách bài bản cho sáng chế trước khi đăng ký bảo hộ, theo ông Hưng.

h
Các diễn giả trao đổi với doanh nghiệp về quản trị TSTT

Ông Thân Thế Hào – Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong -cũng cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, cần tham gia các khóa đào tạo về SHTT để có kiến thức đưa ra chiến lược khai thác, bảo vệ và phát triển TSTT của mình.

Theo ông Hào, tùy thuộc vào năng lực tài chính, nhân lực của mình mà mỗi doanh nghiệp có cách khai thác TSTT khác nhau, có thể là tự sản xuất, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất,… “Doanh nghiệp khởi nghiệp không nhất thiết phải dồn hết sức lực, vốn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh mà có thể hợp tác cùng các công ty lớn, tiềm năng để phát triển” – ông Hào đưa ra lời khuyên.

Theo TS Lê Hải An, trong nông nghiệp rất dễ bị sao chép ý tưởng hay mô hình kinh doanh nên các doanh nghiệp khởi nghiệp cần chú ý đến điểm này. “Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không nên nghĩ các ý tưởng của mình là cao siêu, sợ bị sao chép, thậm chí cần phải “show” ra ngoài xã hội vì năng lực thực thi ý tưởng đó như thế nào mới là quan trọng” – TS. An nói.

Được biết hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, AHBI, Trung tâm dịch vụ Khoa học và Công nghệ,… thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về quản trị TSTT cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ươm tạo,… Đồng thời, các đơn vị này cũng tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức quản trị TSTT nhằm xây dựng, bảo vệ và khai thác các TSTT có hiệu quả.