Từ ngày 1/7/2017, Nghị định 87/2016/NĐ-CP (NĐ 87) sẽ chính thức có hiệu lực toàn phần. Sau thời điểm này, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) không đáp ứng được những yêu cầu trong NĐ 87 sẽ phải dừng hoạt động.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) đưa ra tại hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng MBH và triển khai thực hiện Nghị định số 87/2016/NĐ-CP” do Tổng cục TCĐLCL, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp tổ chức ngày 31/3 tại TPHCM.

Ông Linh cho biết, NĐ 87 Quy định về điều kiện kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Nghị định này đi vào cuộc sống là hành lang pháp lý quan trọng cho các nhà sản xuất, phân phối MBH hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới một thị trường cạnh tranh phát triển lành mạnh. Quan trọng hơn là những người tham gia giao thông có nhiều cơ hội lựa chọn và sử dụng MBH đạt chuẩn, góp phần giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông.

ông Nguyễn Hoài Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TC-ĐL-CL phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tại nước ta, số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông ngày càng tăng lên, chiếm 50% so với tổng các chấn thương khác. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), nếu người tham gia giao thông đội MBH chất lượng, đúng cách có thể làm giảm được 70% việc chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. "Điều này chứng tỏ chất lượng và cách sử dụng MBH của người dân rất đáng lo ngại" - ông Nguyễn Phương Nam, đại diện WHO tại Việt Nam - chia sẻ.

Chỉ riêng tại TPHCM, tình trạng bày bán MBH giá rẻ, kém chất lượng vẫn còn diễn ra trên một số vỉa hè vào buổi chiều tối, ngoài giờ hành chính. Phần lớn nguồn gốc của các loại mũ này là từ các điểm sản xuất trái phép ở ngoại thành do người vi phạm thuê nhà tổ chức lắp ráp, nếu bị kiểm tra thì bỏ hàng, không thực hiện quyết định xử phạt. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã tịch thu, tiêu hủy 1.547 chiếc MBH vi phạm, xử phạt 37.800.000 đồng.

Vì vậy, phần lớn các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, việc tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng MBH không đạt chuẩn, sai cách; tăng cường kiểm tra, xử lý kiên quyết những nơi kinh doanh, sản xuất MBH giả, nhái, kém chất lượng;... là những việc cấp bách cần thực hiện ngay trong thời gian tới.