Nâng cao năng suất nấm linh chi Việt Nam để hạ giá thành và xác định rõ chất lượng nấm trên thị trường là hai giải pháp mà thạc sĩ Cổ Đức Trọng đưa ra để loại thảo dược này cạnh tranh được với nấm giá rẻ nhập từ Trung Quốc và nấm chất lượng cao từ Hàn Quốc.

Người bệnh khó tiếp cận linh chi

Hiện nay, giá bán nấm linh chi trên thị trường dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg tùy loại. Thậm chí có một số loại nấm nhập khẩu có giá lên tới 9 triệu đồng. Với các công ty tự nuôi trồng linh chi ở trong nước thì chí phí cho 1kg nấm chỉ bằng một nửa so với nhập từ Hàn Quốc. Nấm Việt vẫn đang phải cạnh tranh trực tiếp với nấm nhập từ Trung Quốc với giá rẻ và từ Hàn Quốc có giá cao đi cùng chất lượng.

Theo bác sĩ Trần Văn Năm - Nguyên phó Viện trưởng, Viện Y Dược học dân tộc TPHCM - mặc dù nằm trong danh mục các sản phẩm được bảo hiểm xã hội chi trả, tuy nhiên người bệnh vẫn khó tiếp cận để sử dụng linh chi vì trình tự giấy tờ - thủ tục còn nhiều khó khăn, rắc rối. Thông thường, nếu muốn sử dụng loại nấm trên thì bệnh nhân vẫn phải tự bỏ tiền túi ra mua.

Các sản phẩm nấm linh chi được trưng bày tại hội thảo khoa học: “Những kế quả nghiên cứu về Linh chi trồng tại Việt Nam”. Ảnh: Tùng Minh
Các sản phẩm nấm linh chi được trưng bày tại hội thảo khoa học: “Những kế quả nghiên cứu về linh chi trồng tại Việt Nam”do Công ty Vina Linh chi vừa tổ chức tại TPHCM. Ảnh: Tùng Minh

Đánh giá về tác dụng của linh chi đỏ và linh chi vàng PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hương - chuyên gia thuộc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM - cho rằng, linh chi vàng có tác dụng nổi trội trong tăng cường tiều cầu, bạch cầu và hồng cầu; đặc biệt là trong điều kiện tình trạng sốt xuất huyết xảy ra phổ biến ở Hà Nội và TPHCM thì việc sử dụng dòng nấm này sẽ giúp cải thiện bệnh tình đáng kể.

“Tuy biết linh chi bổ dưỡng là thế, nhưng hiện nay vẫn chưa có báo cáo khoa học nào xác nhận hiệu quả của loại nấm này ở các căn bệnh cụ thể. Người bệnh vẫn kiên quyết sử dụng linh chi đi kèm với một loại thuốc nào đó nên công tác đánh giá hiệu quả của loại nấm này vẫn tương đối gặp trở ngại”, bác sĩ Năm chia sẻ thêm.

Thận trọng với linh chi không chứa Triterpenoid

Theo các chuyên gia tại hội thảo khoa học: “Những kết quả nghiên cứu về linh chi trồng tại Việt Nam” được tổ chức ngày 26/8/2017, Triterpenoid có trong linh chi là hợp chất có tác dụng bảo vệ gan, hạ huyết áp, hạ cholesterol, kháng histamin, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, chống tăng sinh u và kháng ung thư. Căn cứ vào hợp chất Triterpenoid có trong linh chi, người dùng có thể xác định được chất lượng nấm.

Hội thảo khoa học đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm về Linh chi.
Hội thảo khoa học đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm về linh chi.

PGS-TS Trương Thị Đẹp - Nguyên trưởng bộ môn Thực vật, Khoa Dược, Đại học Y dược TPHCM, chủ trì nhóm tác giả nghiên cứu đề tài “Phân biệt một số nhóm nấm Linh chi trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh” cho biết, sau khi phân tích 46 mẫu nấm Linh chi, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân chia thành 6 nhóm, dựa trên bốn yếu tố là cuống nấm, mũ nấm, hệ sợi nấm và bào tử đảm”.

Nhóm cũng đo nồng độ hợp chất Triterpenoid trong các mẫu nấm để đánh giá hàm lượng dinh dưỡng có trong từng nhóm linh chi.

Theo PGS-TS Trương Thị Đẹp, mặc dù các nhóm linh chi trồng tại Việt Nam có hàm lượng hợp chất trên khá cao, tuy nhiên chất lượng dinh dưỡng vấn chưa thể bì được với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Đáng lưu ý, khi đánh giá một số thể nấm nhập từ Trung Quốc, nhóm nghiên cứu xác định không còn hợp chất Triterpenoid trên các sản phẩm này nữa.

“Có khả năng là trước khi chuyển qua Việt Nam, nhà phân phối phía bạn đã hút sạch dinh dưỡng trong thể nấm; một số sản phẩm đang bày bán ở đây chỉ còn lại phần vỏ mà thôi”, PGS-TS Đẹp lập luận.

Ngoài ra, người dùng có thể phân biệt các loại linh chi nhập từ Trung Quốc nhờ vào đặc điểm cấu tạo ở mũ nấm. So với các loại linh chi đỏ được nuôi trồng có mặt trên thị trường, mũ nấm ở nhóm này sẽ có màu đen thay vì màu nâu đỏ đặc trưng hoặc nếu có màu nâu đỏ thì các vân không xếp rõ ràng đồng tâm.

Thạc sĩ Cổ Đức Trọng, Tổng giám đốc công ty Linh Chi Vina
Thạc sĩ Cổ Đức Trọng, Tổng giám đốc công ty Linh chi Vina

Theo thạc sĩ Cổ Đức Trọng, Tổng giám đốc công ty Linh chi Vina, tiềm năng của thị trường Việt Nam là vô cùng lớn, lên tới 250 tấn cho một năm và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Ông Trọng cũng kêu gọi các doanh nghiệp dành một phần quỹ trong hoạt động kinh doanh của mình để nghiên cứu thêm về linh chi, đặc biệt là giống nấm linh chi vàng đang rất có tiềm năng phát triển.

Ông Trọng cho rằng, chất lượng nấm linh chi trồng của Việt Nam thì đã rõ. Vấn đề còn lại là năng suất nấm để có giá thành hạ để có thể xuất khẩu được.

Tiếp đến là cần phải xác định rõ chất lượng nấm trên thị trường. Việt Nam hiện đã có chất chuẩn do cơ quan kiểm nghiệm thuốc của Bộ Y tế chiết xuất. Vì vậy, việc xác định rõ chất lượng nấm linh chi đang trồng cũng như nhập của từng đơn vị là quan trọng, nhằm tránh tình trạng người tiêu dùng không biết rõ chất lượng như nấm linh chi thế nào mà chỉ tin vào việc quảng cáo, tuyên truyền không có cơ sở khoa học - ông Trọng nói thêm.

Theo PGS -TS Trương Thị Đẹp - Nguyên trưởng bộ môn Thực vật, Khoa Dược, Đại học Y dược TPHCM - trên thị trường hiện đang có 6 loại linh chi chính là: linh chi nhập từ Hàn Quốc, linh chi nhập từ Trung Quốc, giống Nhật trồng ở Việt Nam, giống Việt Nam trồng ở Việt Nam và 2 nhóm mọc hoang trong rừng ở nước ta.