Không nên phức tạp hóa và đặt mục tiêu quá lớn cho dự án chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Hiệu quả mang lại của chuyển đổi số có thể đến từ mọi cải tiến nhỏ.

Đó là chia sẻ của ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM (HCA) - tại Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 23 (VIO 2018) với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số”. Sự kiện do HCA tổ chức ngày 26/7 tại TPHCM.

“Việc số hóa doanh nghiệp là xu hướng không thể đảo ngược. Doanh nghiệp nào chậm chân trong việc chuyển đổi này sẽ bị tụt hậu, thậm chí bị thôn tính nhanh chóng, kể cả các doanh nghiệp lớn,” ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, để tiến lên “số hóa”, doanh nghiệp cần chuyển đổi dữ liệu và nghiệp vụ sang dạng số, tuy nhiên, không nên phức tạp và đặt mục tiêu quá lớn cho những dự án chuyển đổi số. Hiệu quả mang lại của chuyển đổi số có thể đến từ mọi cải tiến nhỏ. Ví dụ như doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng ứng dụng theo dõi luồng công việc bằng phần mềm điện toán đám mây. Việc này vừa giúp số hóa quá trình phân công theo dõi công việc, vừa giảm kinh phí đầu tư và vận hành phần cứng.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng, mỗi doanh nghiệp đều có thể tìm hiểu và lựa chọn mô hình chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình dựa trên một số yếu tố như: Mô hình kinh doanh tạo nên từ công nghệ số; Danh mục sản phẩm và dịch vụ; Công nghệ áp dụng; Nội dung, phương tiện truyền tải, kênh truyền tải;…

o
Ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch HCA.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhận định, không phải tất cả các doanh nghiệp đều đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khám phá, rất ít doanh nghiệp thực sự bắt đầu vào quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp cũng chưa biết phải bắt đầu chuyển đổi từ đâu, trang bị kiến thức gì để đầu tư cho đúng, vừa tiết kiệm được chi phí và không bị lạc hậu công nghệ.

Bàn về vấn đề này, ông Từ Quang Huy – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và phát triển công nghệ FSI - cho rằng, các doanh nghiệp cần bắt đầu từ việc nhỏ đến việc lớn, sau đó dần dần tăng tốc độ, đòi hỏi cao hơn độ chính xác trong công việc; giá trị cạnh tranh trong doanh nghiệp theo đó sẽ được tăng lên. Doanh nghiệp cần số hóa toàn bộ dữ liệu và quy trình quản lý, đầu tư thêm nền tảng, cơ sở hạ tầng,… để chạy dữ liệu.

“Nguyên tắc đầu tư CNTT trong kỷ nguyên số là giao cho đơn vị có kinh nghiệm làm những gì mình không làm được, hoặc hợp tác cùng nhau” – theo ông Huy.

Trải nghiệm những công nghệ mới tại VIO 2018
Trải nghiệm những công nghệ mới tại VIO 2018.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - cho biết, việc triển khai ngân hàng số gặp khá nhiều khó khăn, thách thức do chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển rất lớn. Bên cạnh đó, ngân hàng số có những đặc thù riêng về công nghệ nên có những rủi ro về pháp lý, tài chính, gian lận, chiến lược,... Vì vậy, theo ông Thắng, để triển khai ngân hàng số tại Việt Nam cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, phân bổ nguồn lực để từng bước chuyển đổi công nghệ, xây dựng giải pháp quản trị rủi ro,…

Tại VIO 2018, ngoài các báo cáo chuyên sâu về phương thức, giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, còn diễn ra sự kiện bàn tròn xúc tiến thương mại để kết nối các doanh nghiệp CNTT lâu năm, có kinh nghiệm với các startup; giới thiệu các giải pháp, dịch vụ CNTT–TT của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; trải nghiệm công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo;…