Những nghiên cứu về ảnh hưởng xâm nhập mặn đến một số loài cá da trơn, tạo than hoạt tính từ bã thải vỏ điều, điều chế sản phẩm nano từ keo ong dú để điều trị ung thư tuyến tụy... cho thấy Đại học KHTN TPHCM ngày càng coi trọng tính ứng dụng trong công tác nghiên cứu.

Hai năm một lần, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội nghị khoa học để tạo diễn đàn cho các nhà khoa học của trường và các đơn vị hợp tác trình bày kết quả nghiên cứu, trao đổi, tìm ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề KH&CN, hình thành các nghiên cứu chuyên ngành, liên lĩnh vực trong và ngoài trường.

Tại Hội nghị Khoa học lần thứ X được tổ chức ngày 11/11, GS-TS Châu Văn Tạo - Phó Hiệu trưởng - cho biết, trong hai năm học vừa qua, trường đã chủ trì thực hiện 3 đề tài KH&CN cấp quốc gia, 32 đề tài nghiên cứu cơ bản, cùng nhiều đề tài khác cấp ĐH Quốc gia, thành phố, theo đơn đặt hàng của các công ty trong và ngoài nước. Trường đã công bố hơn 335 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ngoài nước, 361 bài trong nước và trên 300 báo cáo toàn văn trong kỷ yếu các hội nghị khoa học quốc tế và và toàn quốc.

Nhiều báo cáo có giá trị được trình bày tại Hội nghị
Nhiều báo cáo có giá trị được trình bày tại hội nghị.

Hội nghị lần này có 587 báo cáo thuộc các ngành như môi trường, sinh học, hóa học, khoa học vật liệu… Nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được trường thực hiện như tác động xâm nhập mặn đến một số loài cá da trơn ở ĐBSCL; xây dựng mô hình địa chất và đánh giá trữ lượng dầu khí tại chỗ vỉa T3 và T4 mỏ Hồng Ngư, bể Nam Côn Sơn; nghiên cứu chế tạo than hoạt tính từ bã thải vỏ điều; chiết xuất chất kết dính protein từ bã đậu nành thay thế keo ure formaldehyde; khảo sát nồng độ nitrate trong rau củ tại TPHCM; điều chế sản phẩm nano từ keo ong dú để điều trị ung thư tuyến tụy; điều chế xương bò đã qua sử dụng thành vật liệu hấp phụ Fluoride trong nước…