Năm 2018 tỉnh Quảng Trị mở 13 lớp đào tạo nghề cho gần 450 ngư dân với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,6 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điểm mới của công tác đào tạo nghề năm nay là hướng dẫn cho ngư dân sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ cao được trang bị cho tàu cá và công nghệ bảo quản hải sản sau thu hoạch.

Ngư dân còn được học cách vận hành tàu cá vỏ thép và vật liệu mới có công suất trên 400 CV; được trang bị thiết bị hiện đại để khai thác hải sản xa bờ dài ngày như máy dò ngang, rađa hàng hải, Icom...

Tỉnh cũng tập trung hướng dẫn ngư dân kỹ thuật khai thác và bảo quản hải sản theo công nghệ mới nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đào tạo nghề cũng giúp ngư dân thực hiện tốt những quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tuân thủ khai thác hải sản đúng vùng biển, nâng cao an toàn cho người và tàu cá trong quá trình hoạt động…; qua đó, giúp phát triển bền vững nghề khai thác hải sản.

Quảng Trị hiện có trên 2.300 tàu cá, trong đó có hơn 200 tàu cá làm nghề khai thác hải sản xa bờ. Từ nay đến cuối năm 2018, tỉnh dự kiến dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân theo các chính sách phát triển thủy sản.

Theo đó, dành trên 47 tỷ đồng để hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên khai thác hải sản xa bờ theo Quyết định 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa.

Đối với Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh hỗ trợ ngư dân mua các loại bảo biểm cho thân tàu, thuyền viên và rủi ro đặc biệt cho nhiều tàu có công suất từ 90-400 CV với kinh phí gần 7,2 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu cá công suất từ 400 đến trên 800 CV khoảng 3,8 tỷ đồng... Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu cá theo nghị định này.

Đến nay, ngư dân Quảng Trị đã đóng mới và đưa vào sử dụng 25 tàu cá từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/NĐ-CP, trong đó có 17 tàu cá vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite...