Quy định, quy trình, quy tắc kiểm thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước là rõ ràng, thậm chí bị phàn nàn là làm phiền doanh nghiệp, nhưng các trạm xăng dầu của Trịnh Sướng đều ma mãnh tìm cách thoát các bài kiểm tra.


Kho xăng dầu của công ty TNHH Mỹ Hưng của ông Trịnh Sướng. Ảnh: Zing.

Chiều 11.6, UBND Sóc Trăng tổ chức họp báo trao đổi về việc đại gia Trịnh Sướng – “ông trùm” xăng dầu miền Tây vừa bị bắt liên quan đến việc bán xăng giả. Kết luận đúng sai phải trái, sẽ có cơ quan công an và toà án. Chuyện quản lý với những lằng nhằng của tỉnh Sóc Trăng, thì lãnh đạo đã đứng ra nhận trách nhiệm.

Nhưng đọc đi đọc lại cái báo cáo kết quả kiểm tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên toàn tỉnh, từ năm 2016 liên tục cho đến nay, tự dưng thấy rõ một câu thành ngữ hiện ra: đạo cao một thước, ma cao một trượng. Đó là việc các quy định, quy trình, quy tắc thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, tuy có vẻ chặt chẽ, khoa học, và hay bị phàn nàn là làm phiền doanh nghiệp, hoá ra lại không theo kịp sự ma mãnh của những người đã cố tình đi theo con đường… tà đạo.

Báo cáo, dài đến 27 trang này, sau khi cung cấp toàn cảnh tất cả các cuộc thanh kiểm tra, xử phạt liên tục việc kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ đó đến nay, thì đưa ra nhận định: “Qua kết quả thanh tra cho thấy tình trạng vi phạm về đo lường, chất lượng xăng dầu vẫn còn diễn ra. Việc một số cơ sở có hành vi tác động tháo gỡ niêm phong, kẹp chì của cột đo xăng dầu cho thấy đây là các trường hợp cố ý vi phạm, gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng và cần xử lý nghiêm”.

Trường hợp gian lận xăng dầu của Trịnh Sướng cho thấy, chỉ nỗ lực của các cơ quan quản lý khoa học ở địa phương sẽ không thể giải quyết được vấn nạn gian lận, với rất nhiều mánh lới luồn lách của các doanh nghiệp. Mà cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong giám sát, kiểm tra và xác minh ngay từ đầu.

Nhưng thực tế, rõ ràng hầu hết các trạm xăng dầu của ông Trịnh Sướng đều… thoát được bài kiểm tra này. Bà Vũ Thị Hiếu Đông, giám đốc sở Khoa học Công nghệ Sóc Trăng, cười mà như mếu: “Việc sử dụng các dung môi và phụ gia để kích RON (chỉ số octan) đạt theo tiêu chuẩn thì mình có kiểm tra kiểu gì cũng đạt. Chỉ khi phân tích sâu và có chủ đích dùng các phép thử để phát hiện dung môi khác ngoài xăng thì mới xác định được tỉ lệ từng loại bao nhiêu được theo thông tư 22/2015 ban hành QCVN 1:2015/BKHCN. Nhưng sở Khoa học Công nghệ không phải… công an để có quyền nghi ngờ là đi kiểm tra doanh nghiệp theo hướng phải tìm ra cho sai phạm được…”.

Bà lý giải thêm: “À, phân tích theo lời khai được công bố rộng rãi thì bằng nghiệp vụ hiện nay chỉ xác định được một phần nổi của tảng băng chìm. Quản lý nhà nước làm theo văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, mình kiểm tra xác định tổng chỉ số octan đạt trị số cho phép theo QCVN nghĩa là không vi phạm. Nhưng thành phần tạo nên sản phẩm thật ở đây chỉ có 40% A95 thôi, kiểu như đi mua "nước mắm" 40 độ đạm, người ta bán cho "nước chấm" 40 độ đạm vậy. Nước mắm 40 độ đạm là cá 100%. Còn cái nước kia thì có trời mới biết nhiêu cá, nhiêu bột ngọt… Đúng là, nếu gian lận mà dễ cho cơ quan nhà nước phát hiện thì kẻ gian đã bị phát hiện lâu rồi đâu đợi tới giờ. Mình khôn, họ phải khôn hơn mới gạt được mình chớ”.

Vậy đó, nữ “chiến tướng” ngành khoa học công nghệ này cũng thừa nhận: “Mình bị gạt thiệt rồi!”. Tất nhiên, ông bà vẫn nói: trời bất dung gian. Nhưng đúng là, vụ nồng độ xăng hay nồng độ nước mắm, quả là thứ cần nghĩ nhiều để cải tiến các quy định về tiêu chuẩn của mình.

Từ ngày 28/5 đến 2/6, cảnh sát đồng loạt khám xét các điểm bán xăng dầu của Trịnh Sướng. Cơ quan điều tra xác định, trong hơn hai năm hoạt động, đường dây của Trịnh Sướng đã chi 3.000 tỷ đồng mua dung môi pha trộn vào xăng kém chất lượng, cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả. Kết quả giám định cho thấy xăng giả có thể làm hỏng động cơ.

Khai với cảnh sát, ông Sướng và các đồng phạm thừa nhận đã bán ra thị trường khoảng 19,5 triệu lít xăng giả giá thấp hơn thị trường 7.000-10.000 đồng mỗi lít, thu lợi bất chính hơn 130 tỷ đồng.