Đại học Quốc gia Hà Nội đã vượt qua Đại học Bách khoa Hà Nội, vươn lên vị trí đầu trong danh sách các trường đại học Việt Nam nằm trong Bảng xếp hạng Webometrics được công bố vào ngày 30/7.

Trong bảng xếp hạng mới, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đứng ở vị trí 1306 thế giới – tăng 144 bậc so với bảng xếp hạng trước đó vào tháng 1/2018 – đồng thời VNU xếp ở vị trí 25 Đông Nam Á và 350 châu Á.

10 trường đại học top đầu của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Webometrics. Nguồn: Ảnh chụp màn hình Webometrics.
10 trường đại học top đầu của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Webometrics. Nguồn: Ảnh chụp màn hình Webometrics.

Đứng ở vị trí thứ hai trong số các trường đại học của Việt Nam là Đại học Bách khoa Hà Nội (thứ 1336 thế giới), Đại học Cần Thơ đứng thứ ba (thứ 2174 thế giới), Đại học Quốc gia TPHCM đứng thứ tư (thứ 2772 thế giới) và Đại học Y Hà Nội đứng thứ năm (thứ 3354 thế giới).

Kể từ năm 2004, Bảng xếp hạng Webometrics – hay Bảng xếp hạng web của các trường đại học – được xuất bản mỗi năm hai lần vào cuối tháng 1 và tháng 7 bởi Cybermetrics Lab, một thành viên của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha (CSIC). Hơn 27.000 tổ chức giáo dục đại học trên toàn thế giới được đánh giá trong bảng xếp hạng này.

Mục đích của bảng xếp hạng là thúc đẩy các trường đại học và các học giả có một trang web phản ánh chính xác hoạt động của họ. Nếu hiệu quả trang web của một trường đại học thấp hơn vị trí mong đợi theo thành tích giáo dục xuất sắc của họ, thì tổ chức này nên xem xét lại trang web, tính truy cập mở và chính sách minh bạch, làm gia tăng đáng kể số lượng và chất lượng các ấn phẩm điện tử.

Vai trò của học thuật trong vị trí xếp hạng

Cybermetrics Lab dựa trên 4 tiêu chí để đánh giá trang web của các cơ sở giáo dục, bao gồm: (1) Mức độ xuất hiện (trọng số 5%), hay số lượng các website con lưu trữ trên hệ thống của trường được nhận biết bởi Google; (2) Mức độ ảnh hưởng (trọng số 50%), hay số lượng những liên kết hướng tới website của trường (backlink); (3) Mức độ mở (trọng số 10%), hay số lượng trích dẫn các công trình khoa học trên nguồn dữ liệu Google Scholar; (4) Sự xuất sắc (trọng số 35%), hay số lượng bài báo nằm trong top 10% được trích dẫn nhiều nhất do Scimago thống kê.

So với lần xếp hạng trước, Cybermetrics Lab đã có điều chỉnh nhỏ về trọng số của các tiêu chí đánh giá. Cụ thể, tiêu chí (1) Mức độ xuất hiện có trọng số giảm từ 10% xuống còn 5%; và tiêu chí (4) Sự xuất sắc có trọng số tăng từ 30% lên 35%. Điều này cho thấy, Bảng xếp hạng Webometrics đang được hiệu chỉnh nhằm làm tăng mức độ đánh giá chất lượng học thuật của các trường đại học.

Đại học Quốc gia Hà Nội có ba tiêu chí tăng thứ hạng một cách đáng kể, cụ thể tiêu chí (2) Mức độ ảnh hưởng tăng 235 bậc (xếp thứ 2124 thế giới), tiêu chí (3) Mức độ mở tăng 581 bậc (xếp thứ 2032 thế giới), và tiêu chí (4) Sự xuất sắc tăng 98 bậc (xếp thứ 1316 thế giới).

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có thứ hạng về tiêu chí (2) Mức độ ảnh hưởng cao nhất trong số các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam (xếp thứ 1165 thế giới).

Những đại học dẫn đầu

Trong top 10 của Bảng xếp hạng Webometrics thì có đến 8 trường đại học Mỹ bao gồm: Đại học Harvard (vị trí thứ nhất), Đại học Stanford (vị trí thứ 2), Viện Công nghệ Massachusetts (vị trí thứ 3), Đại học California Berkeley (vị trí thứ 4), Đại học Michigan (vị trí thứ 5), Đại học Washington (vị trí thứ 6), Đại học Cornell (vị trí thứ 8), Đại học Columbia New York (vị trí thứ 9). Hai vị trí còn lại trong top 10 thuộc về hai trường đại học của Anh là Đại học Oxford (vị trí thứ 7) và Đại học Cambridge (vị trí thứ 10).

Ba vị trí cao nhất ở châu Á thuộc về Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc (xếp thứ nhất), Đại học Hồng Kông (xếp thứ 2) và Đại học Quốc gia Singapore (xếp thứ 3).

Các trường đại học đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong Bảng xếp hạng Webometrics là Đại học Quốc gia Singapore (xếp thứ nhất), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (xếp thứ 2) và Đại học Malaya, Malaysia (xếp thứ 3), Đại học Chulalongkorn, Thái Lan (xếp thứ 4) và Đại học Teknologi Malaysia (xếp thứ 5).