Một nghiên cứu mới của Microsoft cho biết, năm 2017, công cuộc chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương tăng năng suất trung bình 15%, tăng lợi nhuận trung bình 13%, trong khi giảm chi phí trung bình 13% so với năm trước.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giải bài toán nhân lực, chi phí

Tại Hội thảo Nghiên cứu chuyển đổi số ngành sản xuất do Microsoft tổ chức tại TP HCM hôm 29/6, Chủ tịch tập đoàn Hải sản Minh Phú cho biết, tập đoàn này hiện có 14.000 công nhân, nhu cầu của khách hàng đòi hỏi sản xuất tăng trưởng 20-30%. Trong suốt năm 2017, tập đoàn này đã áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp như tăng lương, khuyến khích làm thêm giờ, tuyển dụng thêm lao động...

Hệ thống máy móc tự động hoàn toàn tại Nhà máy sữa Mega - Factory của Vinamilk
Hệ thống máy móc tự động hoàn toàn tại Nhà máy sữa Mega - Factory của Vinamilk

Trong đó, theo ông Lê Văn Quang, lao động là bài toán vô cùng trăn trở cho Minh Phú, bởi có người vào nhưng cũng có người ra nên tổng số lao động vẫn là 14.000. Để giải quyết vấn đề này, Minh Phú buộc phải nghĩ đến giải pháp tự động hóa sản xuất.

Ban đầu, tập đoàn cũng e ngại giá thành sẽ rất cao, nhưng thực tế khi tiếp cận công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, giá thành không phải là vấn đề đáng ngại.

Hiện Minh Phú đang bắt đầu thử nghiệm chuyển đổi số trong sản xuất. Dù không tiết lộ con số tổng chi phí đầu tư ban đầu do phải tuân thủ điều khoản bảo mật với đối tác, nhưng theo ông Quang, chi phí đầu tư không phải là rào cản.

Thậm chí, có những phân đoạn sản xuất, ông Quang cho biết, việc chuyển đổi số đã giúp tiết kiệm so với phương thức sản xuất truyền thống. Chẳng hạn, trước đây, hệ thống giám sát nước thải của Minh Phú, tốn khoảng từ 2 đến 3 tỷ đồng cho một thiết bị đo, trong khi đó, sử dụng thiết bị ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chỉ tốn 5.000 USD. Cùng với các chi phí khác để vận hành thì công nghệ mới hay còn gọi là chuyển đổi số vẫn rẻ hơn nhiều.

Ông Lê Văn Quang (ngoài cùng bên trái) và ông Lucky Gani đang trao đổi về Chuyển đổi số ngành sản xuất
Ông Lê Văn Quang (ngoài cùng bên trái) và ông Lucky Gani đang trao đổi về Chuyển đổi số ngành sản xuất tại sự kiện do Microsoft tổ chức ngày 29/6/2018, tại TPHCM. Ảnh Minh Anh

Trước đây, cũng tại Minh Phú việc phân loại tôm phải qua 5 tới 10 bước mới biết được trọng lượng, hàm lượng nước... trong một con tôm. Trong khi đó, dùng công nghệ chỉ cần quét một lần là đã biết đầy đủ các thông số này.

Hơn nữa, theo ông Quang, hệ thống thiết bị tự động hóa có thể chạy 24/24 giờ, không nghỉ ngày lễ, ngày tết như con người.

Căn cứ vào các tính toán khoa học của tập đoàn, ông Quang cho biết việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, được gọi là chuyển đổi số, sẽ giúp doanh nghiệp này tiết kiệm được từ 50-70% nhân lực trong tương lai.

GDP châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng 1% nếu ngành sản xuất thực hiện chuyển đổi số

Theo số liệu từ nghiên cứu “Giải mã những ảnh hưởng kinh tế của Chuyển đổi số tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Microsoft và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế Châu Á/Thái Bình Dương (International Data Corporation Asia/Pacific) thực hiện và được Microsoft Việt Nam công bố tại hội thảo nói trên, GDP của khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể đạt thêm 387 tỷ USD vào năm 2021, tương đương với mức tăng trưởng 1%, nhờ vào những chuyển đổi số của ngành sản xuất.

Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu do Microsoft công bố
Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng GDP của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Số liệu do Microsoft công bố.

Nghiên cứu được tiến hành tại 15 thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam; với sự tham gia của 1.560 người là lãnh đạo các doanh nghiệp / tổ chức có quy mô hơn 250 nhân viên thuộc các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ tài chính, chính phủ, y tế, sản xuất và bán lẻ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào: công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu lớn, các giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Nhận thức (Cognitive), Robot và Internet vạn vật.

Dẫn số liệu từ nghiên cứu nói trên, ông Lucky Gani, Giám đốc Tiếp thị và Vận hành Microsoft Việt Nam, cho biết, việc tiến hành chuyển đổi số đã mang lại những tác động đáng kể đến kết quả kinh doanh sau thuế (năng suất, lợi nhuận và chi phí) và các chỉ số hiệu suất dài hạn (doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ mới, và sự ủng hộ của khách hàng) cho các doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể, năm 2017, chuyển đổi số giúp họ tăng năng suất trung bình 15%, tăng lợi nhuận trung bình 13%, giảm chi phí trung bình 13%, doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ mới tăng trung bình 16%, và sự ủng hộ của khách hàng cũng tăng trung bình 17% so với năm trước. Nghiên cứu dự báo, các chỉ số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 2 năm tới, lần lượt là 21% cho ba chỉ số đầu và 23% và 28% cho hai chỉ số sau.

Nhận xét về xu thế chuyển đổi số trong sản xuất, ông Lê Văn Quang nhận định, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số không phải là một lựa chọn mà là việc bắt buộc phải làm đối với doanh nghiệp.

Ông Quang tin tưởng rằng việc chuyển đổi số dù chưa thể thực hiện hoàn toàn ngay lúc này, nhưng công cuộc này sẽ diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 1-2 năm tới.

Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc doanh nghiệp sử dụng công nghệ để định nghĩa lại cách kết hợp yếu tố con người, dữ liệu và quy trình để tạo ra giá trị cho khách hàng và duy trì vị thế cạnh tranh trong thế giới số.