Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016, tổng mức chi tiêu cho đồ cúng lễ của cả nước là hơn 16 nghìn tỷ đồng, trong khi số tiền dành cho việc mua đồ chơi, sách truyện là hơn 2 nghìn tỷ đồng, và con số này tăng theo các năm. Những con số đó đã nói lên điều gì?

Con số đáng suy ngẫm

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2003 có khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong 8.000 lễ hội trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, mỗi năm người dân chi khoảng 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã và giật mình hơn là số tiền người dân bỏ ra cho vàng mã tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) mỗi năm lên đến 300 tỷ đồng, gần bằng Hà Nội.

Mới đây, theo phân tích của TS Nguyễn Việt Cường – giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mêkông, thì năm 2012, bình quân một hộ gia đình chi 574.000 cho cúng lễ (chỉ tính số tiền để mua vàng mã, hương hoa và đồ cúng không bao gồm thực phẩm như bánh kẹo, quả hay thịt…) và con số này tăng lên 654.000 vào năm 2016 (đã loại bỏ yếu tố lạm phát). Tính bình quân, mỗi hộ chi khoảng 0,8% tổng chi tiêu hằng tháng cho tiền cúng lễ.

Theo đó, nếu nhân con số này lên với tổng số hộ cả nước của từng năm thì tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13 nghìn tỷ vào năm 2012 và tăng lên 16 nghìn tỷ đồng năm 2016.

Biểu đồ so sánh mức chi tiêu cho đồ cúng lễ, vàng mã với sách truyện, đồ chơi của các hộ gia đình của TS Nguyễn Việt Cường.

Phân tích của TS Cường đưa ra dựa trên số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê với khoảng 9.400 hộ dân ở hầu hết cả huyện trên tất cả các tỉnh, thành phố của cả nước. Khảo sát được thực hiện vào 5 tháng trong năm, không bao gồm tháng tết và như vậy không bị ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ và cũng không tính đến các hộ chi tiêu quá cao cho cúng lễ.

Một điểm đáng lưu ý trong bảng phân tích đó là chi tiêu cho đồ cúng của nước ta cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em (không bao gồm sách giáo khoa). Nếu chỉ xét trong các hộ gia đình có trẻ em từ 0-17 tuổi thì tỷ lệ này 5 lần.

“Trước khi bắt đầu phân tích dữ liệu, tôi nghĩ tỷ lệ này cũng cao nhưng không nghĩ lại có sự chênh lệch lớn đến như thế. Tôi cũng từng nghiên cứu về nghèo đa chiều ở trẻ em Việt Nam cùng với UNICEF và nhận thấy rằng mặc dù tỷ lệ phổ cập bậc tiểu học ở nước ta đạt 97-98%, tỷ lệ học sinh học cấp 2, cấp 3 và đại học cũng khá cao so với các nước có thu nhập tương đương, nhưng một trong những thiếu hụt rất lớn đó là trẻ em ở nước ta thiếu sách, truyện, đặc biệt trẻ từ 0-4 tuổi gần như không có sách truyện, đồ chơi rất ít” – TS Nguyễn Việt Cường nói

Thay đối thoại với quá khứ bằng đối thoại với hiện tại, tương lai

Vậy nguyên nhân của thực trạng này là do đâu? Theo lý giải của TS Mai Anh Tuấn – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - thì, thực trạng trên chỉ bắt đầu bùng phát khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong những năm gần đây khi đời sống của người dân ngày càng phát triển, nhiều người đã dành một số tiền rất lớn nhằm mưu cầu an toàn sinh kế hơn là đầu tư cho phúc lợi xã hội, an toàn nhân sinh..

“Theo tôi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân sâu xa nhất đó chính là sự thiếu hiểu biết, thiếu cân nhắc tính toán. Lẽ ra khi đời sống đã khấm khá, người ta cần có sự trầm tĩnh, trăn trở nhất định cho hiện tại, tương lai. Nhưng dường như người Việt càng giàu có càng tỏ ra nông nổi,vội vàng, a dua theo những cái thời thượng, không chủ tâm đầu tư cho sự phát triển bền vững”. Điều này, theo TS Mai Anh Tuấn đi ngược lại quy luật phát triển chung của xã hội hiện đại. Ở các nước phát triển, người dân tập trung đầu tư để tạo nguồn thu cho phúc lợi xã hội, thì ở ta người dân chỉ chăm chăm cầu mong một sức mạnh siêu nhiên, vô hình để bảo vệ đời sống cá nhân mình.


Là người khởi xướng và gắn bó hơn 20 năm với chương trình “Sách hóa nông thôn”, anh Nguyễn Quang Thạch cho biết, phân tích của TS Nguyễn Việt Cường đưa ra đã cho mọi người nhìn thấy được một bức tranh bằng con số cụ thể, từ đó chúng ta đo được chiều sâu của dân chúng trong việc đối thoại với quá khứ và đối thoại với tương lai là như thế nào. Chúng ta đang trong tình cảnh người chết “bắt” lấy người sống, tức là chỉ chăm chăm làm thế nào để lo cho đời sống của người chết thật chu đáo hòng mong nhận được một sự trợ giúp, bảo trợ vô hình nào đó mà nhiều khi quên mất thì tương lai gần là con em chúng ta, là sự học hành, là sự phát triển toàn diện của chính con em mình.

Anh Nguyễn Quang Thạch còn đưa ra một con số đáng buồn: “Tôi đã khảo sát hàng nghìn người về việc người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn đã dành bao nhiêu tiền cho việc mua sách truyện, đồ chơi cho con trẻ thì thấy rằng ngoài sách giáo khoa thì sách truyện khác gần như bằng không. Có khoảng 90-95% số người được hỏi ở nông thôn cho biết họ không mua thêm sách truyện cho con ngoài sách giáo khoa”.

Để thay đổi thực trạng này, TS Mai Anh Tuấn cho rằng Nhà nước cần có sự can thiệp. Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã tại cơ sở thờ tự Phật giáo là chủ trương đúng. Nếu không can thiệp, vô hình trung chúng ta đang thả nổi hiện tượng này.

Còn theo anh Nguyễn Quang Thạch, những người làm chính sách văn hóa cần xây dựng nền tảng văn hóa trong tâm trí của người dân, giúp người dân hiểu được chúng ta cần đối thoại với hiện tại, tương lai chứ không chỉ đối thoại với quá khứ; còn với những người làm giáo dục thì cần khuyến khích người dân đọc sách và đánh giá nỗ lực hiểu biết của người dân qua sách vở.