Cuộc phát hiện bãi cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ, Thủy Nguyên, Hải Phòng (công bố hôm 19/12) vừa qua sẽ tiếp tục bổ sung giả thuyết cho những tranh luận đang có về bãi cọc Bạch Đằng và chiến trận Bạch Đằng (1288), theo các nhà nghiên cứu.

.
Các cọc gỗ cổ nằm sâu dưới lòng đất

Từ phát hiện dấu tích cọc gỗ của người dân địa phương vào đầu tháng 10, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật. Trên ba hố khai quật (diện tích 950 m2), các nhà nghiên cứu đã phát hiện 27 cọc gỗ với đường kính từ 26 đến 46 cm. Bước đầu giám định niên đại bằng đồng vị Carbon-14 cho thấy các cọc gỗ có niên đại trong khoảng năm 1270 đến 1430 (sai số 180 năm).

Nếu được xác nhận, phát hiện ở Cao Quỳ sẽ làm mở rộng số di tích cọc hiện có lên con số 4 (trước đây đã có 3 bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Mả Ngựa ở Quảng Yên, Quảng Ninh). Khoảng cách từ bãi Cao Quỳ đến các bãi cọc còn lại - 18 km về thượng nguồn sông Bạch Đằng) gợi ý đây có thể là trận địa nhằm buộc thủy quân Nguyên đi vào cái bẫy giăng sẵn ở dưới xuôi. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vẫn cần cẩn trọng với giả thuyết này.

Người dân địa phương cũng cho biết, trước đây từng phát hiện cọc gỗ ở cùng khu vực trong những năm 1970 và 1980. Trong khi đó, các nghiên cứu khảo cổ tại Bạch Đằng mới chỉ phác dựng được một phần bức tranh của chiến trận năm 1288. Từ phát hiện cọc gỗ đầu tiên năm 1953-54, nhiều dấu tích liên quan đến trận chiến đã được tìm thấy, trong đó có vị trí các trại quân Trần tại Yên Hưng, dấu vết thuyền gỗ, xương cốt người – tất cả đều ở Quảng Yên.