Thiếu kỹ năng mềm, yếu ngoại ngữ, chưa có định hướng cho bản thân, kiến thức về khởi nghiệp chưa nhiều,… là những điểm yếu của đa số các sinh viên ngành công nghệ thông tin (CNTTT) hiện nay.

Đó là chia sẻ của bà Văn Thị Bích Ty – Trưởng ban Truyền thông sự kiện Hội tin học TPHCM (HCA) - tại buổi tổng kết chương trình kết nối doanh nghiệp với sinh viên do HCA tổ chức ngày 16/10 tại TPHCM. Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM 2018.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT hiện nay là hơn 600.000 người. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT và cần khoảng 1,2 triệu nhân lực CNTT vào năm 2020. Hiện trong hơn 200 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam có đào tạo ngành CNTT nhưng có tới 72% sinh viên ngành CNTT ra trường không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 80% lập trình viên phải đào tạo lại.

Các trường đại học, doanh nghiệp chia sẻ về nguồn nhân lực CNTT hiện nay
Các trường đại học, doanh nghiệp chia sẻ về nguồn nhân lực CNTT hiện nay

Ông Trần Thanh Tú - Công ty DOU Networks - cũng cho rằng, điểm yếu của sinh viên hiện nay chưa tự tin, năng động và còn suy nghĩ theo hướng chờ đợi, có nghĩa là dạy gì thì hiểu đó, ít tìm tòi, học hỏi hay đi tiên phong những xu hướng mới.

Để giải quyết bài toán nhân lực CNTT đang yếu và thiếu như hiện nay, theo bà Ty giữa doanh nghiệp và nhà trường cần có sự gắn kết với nhau trong quá trình đào tạo. Nhà trường cần tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp để học hỏi, thực tập trên những quy trình thực tế ngay từ năm thứ 2 - 3.

Đây cũng là cách mà Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang thực hiện. TS Nguyễn Kim Quốc Phó Trưởng khoa CNTT Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - cho biết, Khoa CNTT đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và đưa sinh viên xuống thực tập. Ngoài học ở trường, sinh viên được học tại doanh nghiệp và chính những kỹ sư, cán bộ của doanh nghiệp trực tiếp giảng dạy cho sinh viên. Doanh nghiệp có thể theo dõi quá trình, quản lý việc đào tạo cùng nhà trường. Vì vậy, sinh viên khoa CNTT của nhà trường sau khi ra trường thường tìm được việc làm ngay. “Việc tham gia chương trình kết nối doanh nghiệp với sinh viên do HCA tổ chức là một trong những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, giúp các em có được những kiến thức, kỹ năng và tâm thế tốt hơn khi ra trường” – ông Quốc nhấn mạnh.

Buổi
Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành giao lưu với doanh nghiệp về khởi nghiệp và ĐMST

Chương trình kết nối doanh nghiệp với sinh viên được HCA thực hiện từ năm 2008 nhằm phát triển nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam. Chương trình đưa các doanh nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT, truyền thông và một số công nghệ khác đến với sinh viên các trường đại học. Tại đây, họ trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm thành công, xu hướng công nghệ mới, thực tế hoạt động, nhu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực để các em có thêm kiến thức, kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho mình.

Chương trình được tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau như xu hướng công nghệ số hóa; thay đổi tư duy ao làng sang tầm nhìn hòa nhập với môi trường quốc tế; dữ liệu nguồn mở và khởi nghiệp; thương mại điện tử thế hệ mới; tâm thế để khởi nghiệp - sinh viên cần gì;… thu hút sự tham gia của hơn 50.000 lượt sinh viên của gần 100 trường đại học và cao đẳng.

Thời gian tới, Chương trình sẽ tiếp tục được thực hiện với những chủ đề, nội dung phù hợp với xu hướng mới và mở rộng thêm cho các đối tượng học sinh phổ thông trung học ở TPHCM và các tỉnh khác để các em có định hướng nghề nghiệp tốt hơn.