Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi an ủi các nhà khoa học tại Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sau khi sứ mệnh đầu tiên đến cực Nam Mặt Trăng thất bại vào phút chót.


Ảnh: Thủ tướng Narendra Modi an ủi Giám đốc ISRO K. Sivan sau khi tàu đổ bộ Vikram được xác nhận mất liên lạc với Trái Đất vào phút chót. Nguồn: News Track English.

Nỗi buồn và thất vọng bao trùm các nhà khoa học tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan khi Giám đốc ISRO, Kailasavadivoo Sivan, tuyên bố việc đã mất liên lạc với tàu đổ bộ Vikram ngay trước khi nó hạ cánh xuống cực Nam Mặt Trăng vào khoảng 3 giờ rưỡi sáng (7/9) giờ Việt Nam.

“Cuộc đổ bộ của tàu Vikram diễn ra đúng như kế hoạch và hoạt động vẫn diễn biến bình thường tới cao độ 2,1 km [so với bề mặt Mặt Trăng]. Sau đó, liên lạc giữa tàu đổ bộ với trạm mặt đất đã bị mất,” ông K. Sivan giải thích trước báo giới: “Các dữ liệu hiện đang được phân tích.”

Trả lời với hãng tin PTI (Ấn Độ) sau đó, một quan chức tham gia kế hoạch nói rằng hiện “không còn liên lạc với tàu đổ bộ nữa. Gần như đã mất tàu. Không còn hi vọng nữa. Rất, rất khó có thể nối lại liên lạc.”

Tàu Vikram mang trong mình xe tự hành Pragyan dự định thực hiện một cuộc đổ bộ có điều khiển xuống một vùng bình nguyên nằm giữa hai núi lửa Manzinus C và Simpelius N ở cực Nam Mặt Trăng. Tàu dự kiến sẽ hoạt động trong 14 ngày Trái Đất với các hoạt động thăm dò đất đá và tìm kiếm dấu hiệu của nước trên Mặt Trăng. Đó là đích đến cuối cùng của sứ mệnh Chandrayaan-2 (“Cỗ xe Trăng”) khởi động từ 22/7.


Ảnh 2: Dự kiến quỹ đạo bay và đổ bộ của Chandrayaan-2. Nguồn: BBC.

Nếu diễn ra thành công, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ 4 (sau Nga, Mỹ và Trung Quốc) có tàu đổ bộ xuống bề mặt Mặt Trăng và là nước đầu tiên đổ bộ xuống cực Nam vệ tinh này. Cuộc đổ bộ từ đầu đã được dự đoán sẽ rất khó khăn, khi khoảnh khắc 15 phút cuối cùng được Giám đốc ISRO K. Sivan trước đó mô tả như là “những giây phút đáng sợ nhất” với toàn bộ sứ mệnh.

Kể cả việc đổ bộ thành công mà tàu đổ bộ không bị hư hại cũng là việc đặc biệt khó khăn. “Việc đó rất khó,” theo ông Pallava Bagla, tác gia và biên tập khoa học của đài NDTV (Ấn Độ). “ISRO đã làm việc trong hơn 10 năm để đạt đến điểm này… Đây thực sự là khoa học tên lửa, luôn có thể thất bại, chứ không phải thứ có thể bắt chước làm theo quy trình được.”

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trực tiếp theo dõi cả hai cuộc phóng tàu và đổ bộ tại trung tâm điều khiển mặt đất. Hình ảnh trên clip quay lại cho thấy ông K. Sivan bật khóc khi rời phòng điều khiển và được ông Modi ôm chặt an ủi.

Quay trở lại phòng điều khiển, Thủ tướng Modi đã có một bài phát biểu trước các nhà khoa học, ca ngợi nỗ lực của sứ mệnh Chandrayaan-2 là không nhỏ và vẫn rất đáng tự hào: “Chúng ta có đủ tự tin rằng những điều tốt đẹp nhất vẫn đang chờ đón chương trình vũ trụ của nước ta,” ông Modi nói.

“Các bạn, tôi có thể cảm thấy những gì các bạn phải trải qua trong mấy giờ qua, ánh mắt các bạn nói lên điều đó,” ông Modi an ủi các nhà khoa học: “Tôi muốn nói rằng cả Ấn Độ đang ở bên các bạn.”

Truyền thông Ấn Độ và mạng xã hội tràn ngập những lời an ủi và ca ngợi nỗ lực của sứ mệnh. Tờ The Times of India nhắc lại một loạt các ví dụ của các thất bại của Mỹ và Nga trong các chương trình vũ trụ của mình để khẳng định: “Những bước lùi và việc học từ đó là một phần của hành trình vươn tới vũ trụ […] các điều tra sau đó sẽ giúp thu được các bài học quan trọng về an toàn và kỹ thuật.”

Chi phí của dự án Chandrayaan-2 là khoảng 140 triệu USD ít hơn rất nhiều các chương trình vũ trụ của các nước khác, với toàn bộ thiết bị đều được nghiên cứu và sản xuất trong nước. Ông Bagla nói thêm sứ mệnh này cũng có tính biểu tượng “cho thấy Ấn Độ đang bước tới cái mà Thủ tướng Narendra Modi liên tục kêu gọi về nỗ lực gây dựng một nước Ấn Độ mới”.

Dù kế hoạch đổ bộ đã thất bại, nhưng tàu quỹ đạo Chandrayaan-2 vẫn sẽ tiếp tục bay quanh Mặt Trăng trong 1 năm tới. Cũng ngày hôm qua, Ấn Độ vừa kết thúc vòng tuyển chọn phi hành gia thứ nhất cho kế hoạch tự lập đưa 3 người Ấn Độ đầu tiên vào vũ trụ trong sứ mệnh Gaganyaan, dự kiến diễn ra vào cuối năm 2021.