Với tầm phát hiện gấp 10 lần so với các radar laser hiện giờ, thiết bị mới của Trung Quốc được thiết kế để giúp các nhà khoa học nghiên cứu bầu khí quyển cao của Trái đất.

Ảnh: Radar laser này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu bầu khí quyển cao của Trái đất. Nguồn: scmp.com

Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng trạm radar laser mạnh nhất thế giới, được thiết kế để nghiên cứu các hạt trong bầu khí quyển cao của Trái đất, giúp làm chệch hướng tia vũ trụ - theo báo cáo của các nhà khoa học trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và truyền thông nước này.

Trạm radar này được mô tả có tầm phát hiện là 1.000 km - gấp 10 so với các radar laser hiện có. Radar sẽ sử dụng chùm tia laser năng lượng cao có thể xuyên qua các đám mây, vượt khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế và đến vùng rìa ngoài của khí quyển, vượt trên cả độ cao quỹ đạo của hầu hết vệ tinh quan sát Trái đất. Ở độ cao này, không khí trở lên mỏng đến mức các nhà khoa học có thể đếm số lượng nguyên tử khí được tìm thấy trong bán kính vài mét. Trạm quan sát này sẽ sử dụng một số kính thiên văn quang học lớn để thu các tín hiệu mờ được phản xạ bởi các nguyên tử khi bị laser bắn trúng. Dự án này là một phần của Dự án theo dõi thời tiết vũ trụ Meridian - một chương trình đầy tham vọng được bắt đầu từ năm 2008, nhằm xây dựng mạng lưới quan sát tiên tiến, lớn nhất Trái đất để theo dõi và dự báo các hoạt động của Mặt trời.

Tuy nhiên, tuyên bố này dẫn tới nhiều hoài nghi của cả các nhà khoa học. GS. Geraint Vaughan, giám đốc đài quan sát tại Trung tâm Khoa học Vũ trụ quốc gia Anh Quốc, tuyên bố: “Tôi nghĩ 1.000 km là lỗi đánh máy.” Ông cho rằng mặc dù tuyên bố của Trung Quốc “rất hấp dẫn” nhưng nó dường như bất khả thi với công nghệ hiện giờ. Tính đến lúc này, phạm vi hiệu quả của laser khí quyển là khoảng 100 km.

Một số nhà khoa học cao cấp khác tại Trung Quốc và người ngoài cũng bày tỏ sự nghi ngờ về dự án, mặc dù họ yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề. Một nhà khoa học về laser tại Bắc Kinh chia sẻ: “Có những cách tiếp cận khác, ví dụ như bắn vệ tinh. Việc xây dựng một cỗ máy khổng lồ, đắt tiền như vậy trên mặt đất không có ý nghĩa gì cả.”

Nguồn: https://www.scmp.com/news/china/science/article/3021365/china-building-worlds-most-powerful-laser-radar-study-earths