Kỷ lục này tiếp tục nêu bật một xu hướng đáng lo ngại: hành tinh tiếp tục ấm lên với tốc độ rất nhanh và không có dấu hiệu ngừng lại.

Hành tinh vừa trải qua tháng 1 nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử, theo công bố mới đây của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).

Tháng 1/2020 là tháng 1 thứ 44 liên tiếp, và là tháng thứ 421 liên tiếp, với nhiệt độ trên mức trung bình thế kỷ 20, theo NOAA. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt đất liền và đại dương trong tháng 1/2020 lớn hơn 12 độ C và 1,14 độ C so với mức trung bình thế kỷ 20, cao nhất trong hồ sơ khí hậu 141 năm của NOAA.

Nga, Scandinavia và miền đông Canada là các khu vực trải qua khí hậu ấm áp khác thường trong tháng 1/ 2020, một số nơi có nhiệt độ cao hơn trung bình ít nhất 5 độ C.

Người phụ nữ và đứa trẻ gỡ tấm ván trượt tuyết của họ bên cạnh những mảng cỏ tại một khu nghỉ mát trượt tuyết. Khu này, ở Minamiuonuma, Nhật Bản, đã phải đóng một số con dốc vì thiếu tuyết, vào ngày 30/1/2020.

Nhiệt độ ấm làm tan băng biển Bắc Cực - hồ sơ vệ tinh cho thấy mức bao phủ của băng Bắc Cực tháng trước là 5.270.000 dặm vuông, thấp hơn mức trung bình 5,3%.

Băng biển Nam Cực cũng chịu số phận tương tự, phạm vi bao phủ còn 1.740.000 dặm vuông, thấp hơn 9,8% so với mức trung bình.

Các nhà khoa học tại NOAA dự đoán rằng năm 2020 có khả năng trở thành một trong số 5 năm ấm nhất được ghi nhận. Mới đây, NOAA cũng công bố dữ liệu cho thấy 2019 là năm nóng kỷ lục thứ hai trong lịch sử bề mặt hành tinh, cao hơn khoảng 1,1 độ C so với mức trung bình từ năm 1850-1900.

Các cột mốc nêu bật một xu hướng đáng lo ngại: hành tinh tiếp tục ấm lên rất nhanh. Bốn tháng 1 ấm nhất trong hồ sơ là từ năm 2016 đến 2020, và mười tháng 1 ấm nhất đã xảy ra kể từ năm 2002, theo NOAA.

Tháng 1/2020 đã vượt qua kỷ lục nhiệt độ tháng 1/ 2016.

Nhiệt độ kỷ lục trong tháng 1/2020 nối tiếp năm 2019 nóng đặc biệt, được xếp là năm nóng thứ hai trên bề mặt hành tinh kể từ khi các phép đo đáng tin cậy bắt đầu. 5 năm qua và thập kỷ vừa qua là nóng nhất trong hồ sơ 150 năm được lưu lại. Các dấu hiệu này đều cho thấy diễn biến nhanh của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Năm 2015, các chính phủ thế giới đã đồng thuận giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp, để ngăn chặn lũ lụt thảm khốc, mất an ninh lương thực, sóng nhiệt và di cư hàng loạt.

Tuy nhiên phát thải không có dấu hiệu suy giảm, chứ đừng nói đến việc cắt giảm sâu để đáp ứng mục tiêu 2 độ C và giải quyết khủng hoảng khí hậu. Theo các nhà khoa học, thế giới phải giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 để có cơ hội tránh các sự cố khí hậu thảm khốc.

Nguồn:

https://www.noaa.gov/news/january-2020-was-earth-s-hottest-january-on-record
https://www.nbcnews.com/science/environment/earth-just-had-its-hottest-january-recorded-history-n1136426
https://www.theguardian.com/environment/2020/feb/13/january-hottest-earth-record-climate-crisis