Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ tăng cường đầu tư cho khoa học lên 150% so với mức đầu tư hiện nay vào cuối năm 2018, theo thông tin từ văn phòng báo chí của tổng thống Nga Putin.

Các nhà khoa học trường đại học liên bang Moscow tạo ra một loại kháng sinh mới. Nguồn: Russia news today.

Phần kinh phí tăng lên này sẽ được tính vào khoản ngân sách chưa được phân bổ cho chương trình KH&CN 2014-2020 của Nga và do đó, sẽ đưa tổng ngân sách đầu tư cho khoa học của Nga từ 40 tỷ ruble lên 60 tỷ ruble (tương đương từ 644 triệu USD đến gần 1 tỷ USD).

Một phần quan trọng của kế hoạch đầu tư này sẽ là chính phủ sẽ phân bổ kinh phí cho các trường đại học, đặc biệt là các nơi mang tầm chiến lược như trường Đại học Liên bang Moscow, trường đại học liên bang Saint Petersburg…, qua đó góp phần đưa nghiên cứu trong trường đại học trở thành niềm tự hào quốc gia trong những năm tới – mục tiêu mà chính phủ Nga mới đề ra.

Trước năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đảm nhiệm vai trò chính trong việc thúc đẩy và thực hiện nghiên cứu khoa học và nhận được rất nhiều hỗ trợ, đầu tư. Nhưng trong những năm gần đây, tình thế đã thay đổi với việc chính phủ bắt đầu tập trung vào phát triển khoa học trong các trường đại học. Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố: “Chúng tôi muốn đảm bảo số lượng kinh phí của ngân quỹ quốc gia được cấp cho nghiên cứu cơ bản của các trường đại học trong nước và các trung tâm R&D liên kết với họ sẽ tăng lên gấp rưỡi trong giai đoạn 2018-2019. Cần phải trao thưởng cho các nhà khoa học trên cơ sở các hoạt động nghiên cứu và kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong hiện tại chứ không phải những nỗ lực trong quá khứ của họ”.

Theo chương trình đầu tư của chính phủ liên bang cho KH&CN trong giai đoạn 2014-2020, số lượng ngân sách chính phủ đầu tư cho khoa học lên tới 228,7 tỷ ruble (tương đương 3,7 tỷ USD). Phần lớn kinh phí trong khoản ngân sách này đã được phân bổ, phần còn lại chỉ vào khoảng 40 tỷ ruble. Theo phát biểu gần đây nhất của Putin thì ngân sách sẽ được tăng lên gấp 1,5 lần, nghĩa là vào khoảng 60 tỷ ruble.

Không giống như những năm trước đây, việc phân bổ ngân sách nghiên cứu khoa học cho các trường đại học Nga này sẽ được tiến hành trên cơ sở cạnh tranh. Đây là quyết định mới của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và khoa học và Cơ quan liên bang quản lý các tổ chức khoa học – tổ chức mới được chính phủ liên bang thiết lập nên để quản lý tài sản của Viện Hàn lâm KH&CN Nga.

Dưới các quy định của kế hoạch mới này, ngân sách sẽ được phân bổ trên cơ sở của các đề xuất. Một ủy ban đặc biệt của Liên bang sẽ lựa chọn những đề xuất xuất sắc nhất và những dự án hứa hẹn nhất cho khoa học Nga và để các trường đại học Nga thực hiện.

Nhưng một vài nhà khoa học Nga đã lập tức chỉ trích quyết định này của chính quyền Liên bang. Alexander Kuleshov, chuyên gia hàng đầu về toán học và công nghệ thông tin và là giám đốc của Viện nghiên cứu Các vấn đề truyền động thông tin Kharkevich (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) bình luận: “Sự gia tăng của ngân sách đầu tư cho khoa học và việc áp dụng một mô hình tài chính cạnh tranh là một thông tin tốt”. Dẫu sao, ông lo ngại rằng việc ưu tiên các trường đại học có thể ảnh hưởng đến kinh phí đầu tư cho nhiều nhà khoa học xuất sắc trong các viện nghiên cứu, do đó có thể dẫn đến việc tạm ngừng nghiên cứu hoặc thậm chí là “đóng băng” nghiên cứu của họ.

Còn theo Eugene Onishchenko, hiệu phó trường đại học kinh tế Moscow, việc chính phủ chi phối mạnh mẽ dẫn tới kinh phí đầu tư cho các trường đại học cũng có thể là một mối đe dọa cho nghiên cứu. Ông cũng cho biết thêm, các đề xuất khoa học có thể rơi vào tình trạng thiếu minh bạch vì chúng có thể phải được xét duyệt trong những điều kiện đặc biệt.

Anh Vũ dịch

Nguồn: http://www.universityworldnews.com/article.php?story=20180413111636641