Ngày 14/1, Philippines đã hai lần nâng mức cảnh báo đối với núi lửa Mayon thuộc tỉnh Albay, miền Trung nước này trong vòng 24 giờ, điều này động nghĩa với việc một vụ phun trào nguy hiểm có khả năng sẽ xảy ra chỉ trong vài ngày tới.

Theo viện nghiên cứu núi lửa và địa chấn Philippines (Phivolcs), sức nóng từ miệng núi lửa Mayon cho thấy dòng dung nham sắp phun trào, trong khi các cột tro và hơi nước liên tục được phun ra. Cảnh báo hiện đã được nâng lên mức số 3 - núi lửa có xu hướng bất ổn cao, magma đã lên đến miệng núi và sự phun trào nguy hiểm có khả năng xảy ra trong vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày tới.

 Sức nóng từ miệng núi lửa Mayon cho thấy dòng dung nham sắp phun trào, trong khi các cột tro và hơi nước liên tục được phun ra. Ảnh: AFP/TTXVN
Sức nóng từ miệng núi lửa Mayon cho thấy dòng dung nham sắp phun trào, trong khi các cột tro và hơi nước liên tục được phun ra. Ảnh: AFP/TTXVN

Hơn 900 gia đình đã được sơ tán đến tạm trú tại các trường học gần đó. Nhà chức trách đã mở rộng vùng nguy hiểm lên tới 7 km tại sườn phía Nam núi lửa. Người dân được cảnh báo cẩn trọng và tránh xa khu vực trên do nguy cơ đá rơi, lở đất, phát nổ bất ngờ hoặc sập đỉnh núi, dẫn đến các dòng phun trào nguy hiểm. Giới chức hàng không dân sự cũng cảnh báo phi công không bay gần đỉnh núi do tro bụi từ miệng núi có thể gây nguy hiểm cho máy bay.

Nằm ở độ cao 2.460 mét so với mặt nước biển, núi lửa Mayon có đường kính rộng 20 km, vốn là địa điểm thu hút khách du lịch nhờ kiến tạo hình nón được tạo ra sau khi núi lửa hoạt động. Trong vòng 400 năm qua, núi lửa Mayon đã hoạt động 51 lần và năm 1814, núi lửa này từng có đợt phun trào dung nham lớn cướp đi sinh mạng của khoảng 1.200 người và chôn vùi 3 thị trấn.