Dự định chủ động thoái vị của Nhật hoàng Akihito (84 tuổi) vì lý do sức khỏe – diễn ra trong tháng 4/2019 – có thể sẽ gây ra sự đình trệ đối với đất nước này trên diện rộng.

Bên cạnh sự chấm dứt của một triều đại kéo dài suốt ba thập kỷ (Đức Akihito lên ngôi năm 1989 sau khi thân phụ ngài – Thiên hoàng Chiêu Hòa Hirohito – băng hà), đây còn được xem như một việc chưa từng có tiền lệ với sức ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ đơn thuần là chuyện nội bộ của hoàng thất. Đó sẽ là một lỗ hổng lớn về mặt công nghệ (lỗi kỹ thuật) - có phần giống với những cảnh báo về sự cố Y2K trước thềm thế kỷ 21 (năm 2000).

Nhật Hoàng chủ động tuyên bố lên kế hoạch thoái vị vào năm 2019. Ảnh: AP News

Nhật Hoàng chủ động tuyên bố lên kế hoạch thoái vị vào năm 2019. Ảnh: AP News

Nước Nhật vốn có một phả hệ ngai vàng kéo dài xuyên suốt gần 3000 năm lịch sử. Đức Akihito hiện nay được coi là hậu duệ trực tiếp thuộc dòng dõi Thần võ Thiên hoàng (Jimmy Tenno) – con cháu của Thái Dương Thần nữ, vị vua đầu tiên trong lịch sử, người cai trị sau khoảng năm 660 TCN và sáng tạo nên Kỷ nguyên của các vị thần (Age of the Gods) lẫn Thời đại con người (Human Age) – theo truyền thuyết. Mặc dù điều này chỉ được giới học giả xem như một câu chuyện huyền thoại, song những vị Nhật hoàng “hiện đại” hơn sau này (kể từ thế kỷ thứ 7 SCN) đã cho sử dụng các hệ thống lịch mang niên hiệu riêng của từng người để đánh dấu triều đại của họ. Truyền thống đó hiện vẫn đang được duy trì với niên hiệu của Kim thượng Thiên hoàng Akihito là Bình Thành (Heisei) - sẽ kết thúc sau ngày 30/4/2019, và đó có thể cũng chính là lúc lỗ hổng công nghệ bắt đầu xuất hiện.

Theo kế hoạch được Hội đồng Hoàng gia Nhật Bản chấp thuận, Thái tử Naruhito sẽ lên kế thừa vương vị cùng với một niên hiệu mới. Tuy nhiên, vấn đề lớn ở đây là lịch Heisei đã trải dài suốt giai đoạn phát triển của internet hiện đại, kể từ khi ra đời. Bởi thế, một hệ thống lịch mới (chưa rõ tên gì và cũng chưa được kiểm nghiệm) khi đi vào hoạt động, nhiều khả năng sẽ gây ra những xáo trộn lớn – chưa từng có tiền lệ – dẫn tới nguy cơ toàn bộ các hệ thống máy tính trở nên mất kiểm soát. “Các hệ thống dùng trong những dịch vụ như thư tín, vé tàu xe, máy bán hàng tự động và cả ngân hàng có thể sẽ gặp rắc rối lớn” - Leonore Dardenne, nhà nghiên cứu và chuyên gia phân tích độc lập cho hay. Ngoài ra, hoạt động báo cáo thuế, giao dịch trên máy ATM hay các dịch vụ khác cũng có nguy cơ bị đảo lộn do lịch Heisei, vì lý do chính trị và văn hóa, hiện đang được sử dụng trong hầu hết các văn bản hành chính của chính phủ, các cơ quan công quyền và công ty tài chính …

Tập đoàn phần mềm Microsoft đã nhận thức được tính nghiêm trọng tiềm ẩn đối với tình huống này, và mô tả nó (sự thay đổi niên lịch) cũng giống với một sự cố Y2K "của riêng nước Nhật". Các kỹ sư cho hay, đây là một sự kiện rất hiếm gặp, cho nên không ai dám đảm bảo chắc chắn về khả năng vận hành trơn tru của các hệ thống máy tính với lịch mới. Vì vậy, để đối phó với nguy cơ trên, Microsoft đang cố gắng xây dựng một loại mã mới, cụ thể là trong Hệ điều hành Windows 10 nhằm giúp máy tính kịp thích ứng với sự chuyển dịch, tuy nhiên cũng cần điều chỉnh thêm trên các nền tảng khác, bao gồm mã Unicode và bảng ký tự (nhằm kiểm soát thông tin tiêu chuẩn) trong ngôn ngữ lập trình.