Y học Nhật Bản vừa đạt được thành tựu tuyệt vời khi nhóm chuyên gia ở Đại học Osaka thử nghiệm thành công việc ghép mô được nuôi cấy từ tế bào gốc vạn năng cảm ứng (tế bào iPS) cho một nữ bệnh nhân mắc bệnh giác mạc (cornea), mà không gây tác dụng phụ nào.

Căn bệnh giác mạc hình chóp (hình nón - keratoconus) có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng - Ảnh : Pixabay
Căn bệnh giác mạc hình chóp (hình nón - keratoconus) có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng - Ảnh : Pixabay

Theo Kyodo, một nhóm chuyên gia ở Đại học Osaka (Nhật Bản) đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng thành công việc ghép mô được nuôi cấy từ tế bào gốc vạn năng cảm ứng (tế bào iPS) cho một nữ bệnh nhân mắc bệnh giác mạc (cornea).

Người phụ nữ 40 tuổi này được phẫu thuật mắt trái hồi tháng 7 vừa rồi. Hiện bà đã được xuất viện và đang trong giai đoạn phục hồi. Chưa thấy có tác dụng phụ nào. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn không nhìn thấy gì, còn bây giờ thị lực đang được cải thiện. Theo các nhà khoa học, phương pháp điều trị này sẽ được áp dụng rộng rãi vào thực tiễn lâm sàng sau 5 năm nữa.

Theo trưởng nhóm Koji Nishida, sau kinh nghiệm lâm sàng đầu tiên này, sắp tới các chuyên gia Nhật Bản có kế hoạch thực hiện thêm 3 ca cấy ghép như vậy để điều trị một căn bệnh gọi là giác mạc hình chóp (hình nón, keratoconus) - tình trạng giác mạc không có hình cầu mà lồi ra ngoài thành hình chóp. Giác mạc hình chóp có thể gây ra thị lực mờ và khiến bệnh nhân nhạy cảm với ánh sáng.

Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản đã phê duyệt vào tháng 3 thử nghiệm lâm sàng để điều trị các bệnh về giác mạc bằng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (tế bào iPS). Trước đó, các thí nghiệm tương tự đã được cấp phép cho bệnh nhân mắc bệnh võng mạc, chấn thương cột sống và một số bệnh khác.

Sau khi nhà khoa học Nhật Bản Yamanaka Shinya năm 2012 giành giải thưởng Nobel y học cho nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc, sự quan tâm đến chủ đề này từ cả phía xã hội Nhật Bản và chính phủ Nhật Bản đã tăng lên nhiều lần. Y học tái sinh đã được tuyên bố là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển của khoa học. Các tế bào iPS với một hiệu ứng hóa học nhất định có thể trở thành các loại tế bào, theo lý thuyết, giúp phát triển mô cho các cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc cấy ghép mô đã phát triển là việc làm khó và tiềm ẩn nguy cơ phát triển của các khối u ác tính.