Các nhà khoa học Nga đã thực hiện “một công đôi việc” khi phát triển được công nghệ tận dụng bùn đỏ, phế thải trong chế biến quặng bauxite để thu alumin làm chất hấp thụ asen trong phế thải luyện kim và trong nguồn nước.

Các nhà khoa học Nga đã đề xuất dùng bùn đỏ làm nguyên liệu để hấp thu asen từ phế thải luyện kim và nước - Ảnh : 2photo.ru
Các nhà khoa học Nga đã đề xuất dùng bùn đỏ làm nguyên liệu để hấp thu asen từ phế thải luyện kim và nước - Ảnh : 2photo.ru

Theo Minerals, các nhà khoa học ở Đại học Liên bang Ural (Nga) đã phát triển một phương pháp hiệu quả để thu asen (thạch tín) từ nước và các dung dịch để tiếp tục xử lý.

Asen, một trong những chất độc và chất gây ung thư mạnh nhất, là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất các kim loại màu nặng như đồng chẳng hạn, được tìm thấy trong chất thải luyện kim như xỉ, bụi, nó rất nguy hiểm cho con người và môi trường. Ở miền Nam Ấn Độ và Bangladesh, asen tập trung cao trong nước uống là nguyên nhân gây bệnh và tử vong cho hơn 20% dân số. Do đó, nhiệm vụ cấp bách là tìm cách chiết xuất asen từ nước và các giải pháp để tiếp tục xử lý.

Các nhà khoa học đã đề xuất dùng bùn đỏ làm nguyên liệu để hấp thụ asen. Đây cũng là chất thải trong chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin, nguyên liệu thô để sản xuất nhôm (oxit sắt tạo ra màu đỏ cho bùn). Bauxite chỉ chứa một nửa các thành phần hữu ích cho ngành công nghiệp nhôm, các tạp chất còn lại là phế thải. Do đó, một nhà máy nhôm mỗi năm có thể thải ra hơn một triệu tấn bùn đỏ. Đồng thời, việc tận dụng chúng lại khó khăn về mặt công nghệ và không hiệu quả về mặt kinh tế do sự bão hòa các kim loại kiềm, canxi và natri, có liên quan đến việc chiết xuất alumin từ bauxite.

Do đó, các bãi thải bùn chiếm các vùng lãnh thổ rộng lớn tạo ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với môi trường (ví dụ, vào năm 2010 tại Hungary, một bãi thải bùn tràn đã dẫn đến rò rỉ hơn một triệu tấn bùn đỏ, làm chết 10 người và ô nhiễm sông Danube). Ông Andrej Shoppert, phụ trách nhóm nghiên cứu chia sẻ rằng khi giải quyết vấn đề tăng hiệu quả xử lý bauxite, các nhà khoa học nhận thấy rằng bằng cách thay đổi nhiệt độ của quá trình xử lý bauxite, có thể thu được bùn đỏ với các tính chất vật lý khác nhau, ví dụ như có từ tính và asen có thể được cô đặc trong dung dịch, sau đó được chuyển thành dạng không hòa tan để xử lý tiếp theo. Và bùn tái sinh có thể tái chế liên tục khiến quá trình hấp thụ asen được đơn giản và rẻ hơn.

Các nhà khoa học của Ural đã phát hiện ra rằng bùn đỏ thu được khi nung chảy bauxite với kiềm caustic ở nhiệt độ 300 và 500 độ C cho thấy hiệu quả lớn nhất trong việc loại bỏ asen: ở các chế độ này, 1 gram bùn đỏ hấp thụ được hơn 30 miligam asen, tương đương với hiệu quả khi dùng các chất hấp thụ đắt tiền. Các chuyên gia nước ngoài đã đánh giá tích cực phương pháp do các nhà khoa học Nga đề xuất.