Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới phải có hành động cấp thiết hơn nữa trong vòng hai năm tới nếu muốn tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Theo dữ liệu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), 2018 có thể sẽ là cột mốc đánh dấu năm thứ tư liên tiếp chúng ta phá kỷ lục buồn có tên "năm nóng nhất lịch sử".

Không chỉ phải đối mặt với nhiệt độ ngày càng tăng qua từng năm, thế giới còn phải hứng chịu mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Nguy hiểm hơn là các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, động đất ngày một diễn biến khó lường. Nhưng tất nhiên, mọi thứ sẽ chưa dừng lại ở đó nếu như biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục chuyển biến xấu theo đà hiện nay.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không thay đổi mọi thứ kịp thời trước năm 2020, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu ban đầu đã đề ra để tránh hậu quả của biến đổi khí hậu. Con người và cả hệ thống tự nhiên vốn đang bảo vệ chúng ta cũng sẽ phải chịu chung ảnh hưởng từ hậu quả đó".

Theo AFP, giới lãnh đạo trên thế giới đã ký hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào năm 2015. Bản thỏa thuận yêu cầu các nước phải mạnh tay thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2 độ C và duy trì ở ngưỡng dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên sau gần 3 năm ký bản cam kết, các nhà khoa học phát hiện thấy thế giới có vẻ đang đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu và nhiều khả năng sẽ không thể đạt được cam kết đã đề ra.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres

Guterres kêu gọi giới lãnh đạo, chính trị gia, doanh nhân, các nhà khoa học và người dân toàn cầu phải chung tay thay đổi điều này càng sớm càng tốt.

Guterres nhấn mạnh: "Có quá nhiều lãnh đạo đã từ chối lắng nghe. Quá ít quốc gia hành động theo lời kêu gọi của giới khoa học". Trong số các quốc gia gây thất vọng nhất phải kể đến Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì cho rằng, các điều khoản có thể phương hại tới lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

Các quan chức Liên Hiệp Quốc cũng lo ngại về trường hợp của Úc khi quốc gia có lượng khí nhà kính trên đầu người nhiều nhất thế giới đã quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng các bộ luật giảm phát thải CO2.

Hay như Ba Lan, quốc gia sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 24) vào tháng 12 tới cũng đang phải vật lộn với mục tiêu thoát ly khỏi than đá, nguồn cấp năng lượng chính cho nước này trong nhiều thập kỷ qua.

Đáng buồn là những cam kết của bản thỏa thuận Paris chỉ đáp ứng được 1/3 trong số những mục tiêu mà thế giới cần phải thực hiện để "hạ nhiệt' cho Trái Đất.

Antonio Guterres mô tả COP 24 sắp tới tại Katowice, Ba Lan sẽ là "thời điểm quan trọng nhất" mà giới lãnh đạo thế giới phải nghiêm túc nhìn lại những gì đã làm được với tinh thần cầu thị cao nhất, bởi lẽ chính họ đang là những người nắm giữ vận mệnh của nhiều quốc gia và cả hành tinh này trong tương lai.