Máy bay không người lái thông minh và trí tuệ nhân tạo là các hợp phần trong kế hoạch nghiên cứu quốc phòng của Liên minh châu Âu, nhưng nhiều học giả phản đối chương trình này.

Lơ lửng trên bầu trời như những con ong, những máy bay không người lái đã bay qua một sân bay ở Vương quốc Anh vào tháng 2 năm 2018, trong khi những chiếc xe tự động thăm dò khu vực mặt đất bên dưới. Được trang bị cảm biến áp suất và máy ảnh, các robot tự động này phối hợp để giám sát các mục tiêu đang di chuyển - thử nghiệm tình huống trong vùng chiến sự.

Một máy bay không người lái được chế tạo bởi một công ty Đức bay ở Afghanistan.

"Nếu bạn điều khiển tất cả các phương tiện này một cách thông minh, bạn có thể theo dõi liên tục một vị trí hoặc gây rối kẻ thù", theo Vaios Lappas, kỹ sư tại Đại học Patras ở Hy Lạp và thành viên dự án EuroSWARM.

EuroSWARM là dự án đầu tiên hiện thực hóa tất cả các hợp phần chính của một nhóm máy bay không người lái tự tổ chức, ông nói. Đây cũng là dự án tiên phong đánh dấu lần đầu tiên Liên minh châu Âu (EU) đầu tư vào nghiên cứu quân sự.

Sẽ sớm xuất hiện các dự án tương tự. EU sắp tăng mạnh chi tiêu cho nghiên cứu quân sự, sau cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu vào tháng trước để phê duyệt 4,1 tỉ euro (4,6 tỉ USD) cho chi tiêu quân sự trong giai đoạn 2021 - 2027. Con số cuối cùng sẽ được ấn định vào cuối năm nay, khi các quốc gia thành viên và quốc hội mới đồng ý về ngân sách dài hạn tiếp theo của EU.

Khoản đầu tư này được thiết kế để tăng sức mạnh quân sự của châu Âu bằng cách tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) quốc phòng, vốn đang giảm ở hầu hết các quốc gia châu Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Đồng thời, các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng hợp tác nghiên cứu sẽ làm giảm sự trùng lặp giữa các quốc gia thực hiện R&D song song. Số tiền lần này sẽ để tăng đầu tư cho các lĩnh vực từ khoa học vật liệu đến trí tuệ nhân tạo và biến EU thành nhà chi tiêu lớn thứ tư về R&D quốc phòng ở châu Âu, sau Vương quốc Anh, Pháp và Đức (mặc dù tổng chi tiêu cho nghiên cứu quốc phòng trong khối EU sẽ vẫn chỉ bằng một phần nhỏ chi tiêu quốc phòng của Hoa Kỳ, nhà đầu tư lớn nhất thế giới về R&D quân sự). "Tôi nghĩ rằng tác động sẽ rất đáng kể", James Black, một nhà phân tích cấp cao tại RAND ở châu Âu, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn phi lợi nhuận ở Cambridge, Vương quốc Anh.

Nhưng động thái này đang gây tranh cãi. Ngay cả những người ủng hộ tăng đầu tư quân sự cũng lo ngại rằng EU chưa có mục tiêu quốc phòng rõ ràng và vì vậy tài trợ nghiên cứu có thể sai mục tiêu. Và đến thời điểm này không nhiều học giả được tham gia vào chương trình. Hơn 1.000 nhà nghiên cứu đã ký một bản kiến nghị phản đối nghiên cứu quân sự và chỉ trích sự thiếu minh bạch của chương trình. Lappas nói rằng "đây là lần đầu tiên châu Âu đầu tư như một liên minh vào quốc phòng, vì vậy phải tìm hiểu rất nhiều về cách tiến trình và cách thực hiện đầu tư."

Vận động quân sự

Được tạo ra dưới cái bóng của Chiến tranh thế giới thứ hai, cái được gọi là Cộng đồng châu Âu khi đó được thành lập dựa trên các nguyên tắc thúc đẩy hòa bình trên lục địa châu Âu. Nhưng khối đã bắt tay vào hợp tác quân sự vào năm 2014, sau những căng thẳng gia tăng ở biên giới liên minh, bao gồm Nga xâm nhập vào Ukraine và các cuộc nổi dậy ở Ả Rập vào mùa xuân. Năm đó, Jean-Claude Juncker được bầu làm lãnh đạo Ủy ban châu Âu, cánh tay hoạch định chính sách của EU, và Juncker tiếp tục nắm lấy quốc phòng như một cơ hội. Theo Black, Juncker coi quốc phòng là cách để EU khẳng định chính mình sau cuộc bỏ phiếu Brexit 2016 và cuộc bầu cử Donald Trump của Hoa Kỳ, người đã cáo buộc các nước châu Âu không tham gia một cách tương xứng vào chi tiêu quân sự theo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Từ đó nổi lên một vai trò mới và ngày càng tăng của châu Âu trong quốc phòng, trong đó R&D chỉ là một nhánh. Những sáng kiến mới đang biến châu Âu thành một "người chơi" quân sự độc lập. Các chính trị gia cao cấp của châu Âu đã đề xuất thành lập một quân đội EU và phân bổ ngân sách để củng cố các hoạt động quân sự chung.

Khoản chi đầu tiên trong nghiên cứu khá nhỏ: chương trình thí điểm trị giá 1,3 triệu euro bắt đầu vào năm 2016, bao gồm tài trợ cho EuroSWARM, nhưng sau đó là chương trình ba năm trị giá 90 triệu euro vào năm 2017. Theo quyết định của Nghị viện châu Âu vào ngày 18 tháng 4 năm nay về việc thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu, tài trợ hàng năm cho nghiên cứu quân sự tăng hơn mười lần, lên khoảng 500 triệu euro mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021. Chi tiêu hàng năm cho phát triển công nghiệp quân sự cũng sẽ tăng lên thành 1 tỉ euro mỗi năm. Tổng vốn đầu tư sẽ là 13 tỉ euro từ năm 2021 đến 2027, theo tỉ giá hiện tại. "Những quyết định này được đưa ra khá nhanh chóng", Black nói.

Cho đến nay, giai đoạn thử nghiệm và chương trình ba năm đầu tiên cho nghiên cứu đã tập trung tài trợ chủ yếu vào các công nghệ không còn mới trong chu trình phát triển của chúng. Một ví dụ là dự án OCEAN2020 trị giá 35 triệu euro: cải thiện giám sát trên biển bằng cách tích hợp máy bay không người lái và tàu ngầm không người lái vào các hoạt động hải quân.

Trực thăngUMS SKELDAR V-200 UAS được chọn cho vai trò giám sát không người lái trong Dự án OCEAN2020.UMS SKELDAR V-200 UAS được phát triển bởiUMS SKELDAR, một liên doanh giữa UMS AERO và công ty hàng không vũ trụ Thụy Điển Saab. Các nhiệm vụ cho Hệ thống máy bay điều khiển từ xa Skeldar (RPAS) bao gồm giám sát, thu thập thông tin tình báo (ISR), vận chuyển hàng hóa nhẹ và chiến tranh điện tử (EW). Máy bay không người lái này có thể được trang bị một số cảm biến Quang điện tử/ hồng ngoại (EO/ IR), Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) và cảm biến tác chiến điện tử (EW). Nguồn: defpost.

Sự thiên lệch về giai đoạn cuối của chu trình phát triển công nghệ có thể là lý do tại sao các học giả đại học đang đứng ngoài, Lappas nói. Trong năm 2016 và 2017 (dữ liệu duy nhất có sẵn cho đến nay), các tổ chức học thuật nhận ít hơn 2% trong số 44 triệu euro được phân bổ, trong khi 71% đổ về các công ty và 26% về các tổ chức nghiên cứu và công nghệ (RTOs) - chẳng hạn như Tổ chức nghiên cứu khoa học ứng dụng Hà Lan (TNO).

Sự mất cân bằng có lẽ không phải là cố ý, mà do các học giả không biết đến chương trình này, theo Lucie Béraud-Sudreau, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, London. Frans Kleyheeg, một chuyên gia về quốc phòng tại TNO cho biết R&D quốc phòng là một môi trường khá khép kín. Ở Tây Âu, R&D quốc phòng thường được thực hiện trong các RTO như tổ chức của Kleyheeg, và thực hiển bởi các cơ quan chính phủ và các công ty quốc phòng. Trong khi ở Đông Âu, các trường đại học quốc phòng chuyên dụng đóng vai trò lớn hơn, ông nói.

Các dự án trong tương lai có thể nghiêng nhiều về khoa học cơ bản. Lời kêu gọi đề xuất nghiên cứu năm 2019 của Ủy ban, được công bố vào tháng 3, dành 11,5 triệu euro cho "công nghệ đột phá" trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ lượng tử. Những nghiên cứu này là phản ứng của châu Âu với Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Hoa Kỳ, nơi tài trợ cho các nghiên cứu công nghệ rủi ro cao và ở giai đoạn đầu.

Trước đây, các công nghệ đột phá như điều hướng vệ tinh và Internet thường xuất phát từ nghiên cứu liên quan đến quốc phòng, nhưng ngày nay, những đổi mới ngày càng bắt nguồn từ R&D dân sự, Kleyheeg nói. "Thách thức là đưa được những đổi mới này vào lĩnh vực quốc phòng", ông nói.

Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu vẫn không biết về kế hoạch này, nhiều người khác đang tránh né nó, theo Bram Vranken, một nhà vận động và nhà nghiên cứu của tổ chức hòa bình Vredesactie ở Antwerp, Bỉ. Tổ chức này là một trong một số tổ chức các trên khắp châu Âu đã thành lập Các nhà nghiên cứu vì Hòa bình, một nhóm chiến dịch tập hợp hơn 1.000 chữ ký chống lại quỹ quốc phòng. Phần lớn chữ ký đến từ Đức, nơi có hơn 60 trường đại học đã ký thỏa thuận tự nguyện không thực hiện R & D quân sự.

Tốc độ phát triển của quỹ quốc phòng cũng khiến các nhà vận động lo lắng. Chương trình trị giá hàng tỉ euro đang được thiết lập thậm chí trước khi có thông tin kết quả từ các giai đoạn ban đầu. "Đây là thay đổi cơ bản trong hành động của EU như một tổ chức, và các quyết định này đang được đưa ra nhanh chóng mà không có nhiều tranh luận công khai", Vranken nói.

Các nhà phê bình cũng cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng có quá nhiều quyền kiểm soát chương trình tài trợ, dẫn đến nguy cơ đặt lợi ích ngành công nghiệp quốc phòng lên trước lợi ích EU. Đại diện của các công ty vũ khí chiếm 7 trong số 16 thành viên của một nhóm tư vấn về việc thành lập quỹ được thành lập bởi Ủy ban vào năm 2015. Một trong các công ty, Leonardo ở Rome, cuối cùng đã nhận được phần lớn nhất của tài trợ năm 2017, ở mức 5,5 triệu euro. Và mặc dù các bộ quốc phòng sẽ nhận được báo cáo mật về tất cả các kết quả nghiên cứu, như với nguồn tài trợ của Horizon 2020, các công ty và tổ chức thực hiện nghiên cứu sẽ giữ lại tài sản trí tuệ, nghĩa là các quốc gia có thể phải trả tiền để sử dụng.

Các nhà phân tích quốc phòng như Black nói rằng ngành công nghiệp thường tham gia vào việc thiết lập các ưu tiên, bởi vì những tính chất đặc thù của thị trường quốc phòng. Chính phủ có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty vũ khí bởi vì họ là người mua duy nhất và những công ty đó cũng thường là nhà cung cấp duy nhất.

Đối với Frédéric Mauro, một luật sư và chuyên gia về chính sách quốc phòng châu Âu, thách thức lớn nhất mà Quỹ quốc phòng châu Âu phải đối mặt là kết nối với kế hoạch phòng thủ của EU - được thực hiện trên nhiều cơ quan và sáng kiến khác nhau của châu Âu. Quá trình lập kế hoạch phức tạp và rối loạn, ông nói. "Nếu không làm đúng, họ không thể định hướng nghiên cứu quốc phòng châu Âu, và đó là một vấn đề lớn", ông nói.

Brexit là một thách thức khác. Mặc dù các quy tắc quản lý Quỹ quốc phòng châu Âu sẽ dựa trên nền tảng của Horizon 2020, cho phép các quốc gia không phải thành viên tham gia vào một số đề án, các quy tắc tham gia sẽ chặt chẽ hơn đối với các khoản trợ cấp quốc phòng để đảm bảo thông tin nhạy cảm và trí tuệ tài sản không bị lộ ra ngoài Liên minh. Các chuyên gia đồng ý rằng chính Brexit đã khuyến khích việc thành lập Quỹ quốc phòng, vì Vương quốc Anh từ lâu đã phản đối các chính sách quốc phòng của cộng đồng EU. Anh là một trong những quốc gia chi tiêu cao nhất lục địa cho R & D, nhưng nếu rời khỏi EU, các quy tắc có thể là rào cản ngăn cản các công ty Anh tham gia chương trình, Béraud-Sudreau nói.

Một thách thức cuối cùng đối với châu Âu là đảm bảo theo kịp thay đổi của chiến tranh hiện đại, Kleyheeg nói. "Thông thường, chúng tôi nhìn lại các bài học kinh nghiệm", ông nói. "Nhưng bây giờ chúng tôi phải bắt đầu suy nghĩ về chiến tranh trong tương lai sẽ như thế nào."

Nguồn: