Động thái này có thể ảnh hưởng lớn đến thị trường điện thoại của Huawei Technologies.

Google đã đình chỉ quyền truy cập của Huawei vào các bản cập nhật của hệ điều hành Android; các nhà sản xuất chip cũng đã cắt nguồn cung cấp cho công ty viễn thông Trung Quốc này, tuân thủ các cấm vận từ chính phủ Mỹ trong việc tẩy chay Huawei trên toàn thế giới.

Chính quyền Trump đã chính thức bổ sung Huawei vào danh sách đen thương mại vào thứ Năm.

Google cho biết họ đang tuân thủ lệnh của tổng thống Donald Trump, và đang xem xét các ảnh hưởng của việc cấm vận này, theo Reuters.

Google Play và các tính năng bảo mật của Google Play Protect sẽ tiếp tục tồn tại trên các thiết bị Huawei hiện có, nhưng các phiên bản điện thoại Huawei tiếp theo (bên ngoài thị trường Trung Quốc) sẽ mất quyền truy cập vào các ứng dụng và dịch vụ phổ biến của Google (bao gồm cửa hàng Google Play, Bản đồ và ứng dụng Gmail).

Các nhà sản xuất chip như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã nói với các nhân viên rằng họ sẽ không cung cấp chip cho Huawei cho đến khi có thông báo mới, theo Bloomberg đưa tin hôm thứ Hai.

Huawei sẽ tiếp tục có quyền truy cập vào phiên bản hệ điều hành Android, nhưng là phiên bản nguồn mở miễn phí cho bất kỳ ai muốn sử dụng. Theo nguồn tin của Reuters, Google sẽ ngừng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với Android và các dịch vụ của Google.

Huawei đã hứa vào thứ Hai rằng hãng sẽ tiếp tục cung cấp các bản cập nhật bảo mật và dịch vụ sau bán hàng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng của mình.

"Huawei đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển và tăng trưởng của Android trên toàn thế giới", hãng này nói. "Là một trong những đối tác chủ chốt toàn cầu của Android, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với nền tảng nguồn mở của họ để phát triển một hệ sinh thái có lợi cho cả người dùng và ngành công nghiệp."

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lu Kang, cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc "bảo vệ các quyền hợp pháp của họ thông qua các phương pháp hợp pháp".

Huawei trước đây đã từng cho biết họ đang phát triển hệ điều hành riêng, trong trường hợp bị chặn sử dụng phần mềm của Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với báo Đức Die Welt (Thế giới), Richard Yu, người đứng đầu bộ phận người tiêu dùng của Huawei, cho biết công ty đã có một kế hoạch dự phòng. Anh nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị hệ điều hành riêng. Nếu chúng tôi không còn có thể sử dụng các hệ thống hiện có, chúng tôi vẫn sẽ có sự chuẩn bị."

Huawei, công ty hiện phụ thuộc vào chip từ Mỹ, được cho là đang dự trữ chip và các thành phần khác để đề phòng các lệnh cấm. Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Bảy, giám đốc điều hành của Huawei, Ren Zhengfei, cho biết công ty sẽ vẫn "ổn" nếu không có chip Mỹ.

Động thái của Google xuất hiện sau khi chính quyền Trump chính thức bổ sung Huawei vào danh sách đen thương mại vào thứ Năm, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia nhằm cấm công nghệ và dịch vụ của "các kẻ thủ nước ngoài". Danh sách đen ngay lập tức dẫn đến những hạn chế sẽ khiến Huawei rất khó có thể kinh doanh với các công ty Mỹ.

Trong một diễn biến khác trong cuộc chiến thương mại đang gia tăng giữa hai nước, Trump tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên Fox vào tối Chủ nhật rằng chính sách áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã mang lại kết quả bằng cách khuyến khích các công ty chuyển sản xuất sang các nước khác.

Những hạn chế mới nhất có khả năng ảnh hưởng đến thị trường Châu Âu của Huawei, thị trường lớn thứ hai của hãng, bởi vì điện thoại Huawei ở châu Âu sử dụng nhiều dịch vụ từ Google.

Geoff Blaber, Phó chủ tịch nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường CCS Insight, nói với Reuters: "Các ứng dụng đó là rất quan trọng để các nhà sản xuất điện thoại thông minh có thể cạnh tranh ở các khu vực như châu Âu."

Quyết định đình chỉ của Google theo sau một báo cáo tuần trước kêu gọi ngăn chặn Huawei cung cấp mạng di động 5G ở Anh, bởi vì hoạt động của công ty này "dễ bị ảnh hưởng bởi nhà nước Trung Quốc".

Nghiên cứu, thực hiện bởi một nghị sĩ Đảng bảo thủ Anh và hai học giả, cho biết quyết định cho phép Huawei cung cấp các thiết bị viễn thông là rất rủi ro và nên rút lại (cho dù chỉ là các thiết bị không phải thiết bị "lõi"). Quyết định này được công bố bởi Thủ tướng Theresa May vào tháng trước sau cuộc họp đầy căng thẳng của hội đồng an ninh quốc gia (NSC).

Trong báo cáo của Henry Jackson Society Thinktank, các tác giả tuyên bố Huawei "đã từ lâu bị buộc tội gián điệp" - một tuyên bố liên tục bị từ chối bởiHuawei - và lưu ý rằng "trong khi không có trường hợp nào được chứng minh chắc chắn", thì nên áp dụng nguyên tắc phòng ngừa.

Chính phủ Anh đã chịu áp lực từ các cơ quan tình báo đối tác ở Mỹ và Úc trong việc xem xét lại quyết định cho phép Huawei tham gia vào mạng lưới 5G UK.

Vào tháng Tư, Thủ tướng May đã phê duyệt tạm thời việc sử dụng công nghệ Huawei cho các bộ phận của mạng sau cuộc họp của NSC. Một nguồn tin rò rỉ của cuộc họp cho biết năm bộ trưởng nội các đã nêu lo ngại về công ty này.

Robert Strayer, phó trợ lý thư ký tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đã cảnh báo vào tháng trước rằng đề xuất của Vương quốc Anh về việc áp dụng công nghệ Huawei có nguy cơ ảnh hưởng đến hợp tác tình báo với Mỹ. Ông tuyên bố Huawei không phải là một nhà cung cấp đáng tin cậy và việc sử dụng bất kỳ công nghệ nào của họ cho 5G là một rủi ro.

Úc, nước cũng chia sẻ thông tin tình báo với Anh, đã cấm Huawei làm nhà cung cấp cho mạng 5G trong tương lai.

Trong khi Huawei luôn khẳng định họ là một công ty tư nhân, độc lập với nhà nước Trung Quốc, phần lớn thuộc sở hữu của nhân viên và đã làm việc cung cấp công nghệ điện thoại ở Anh trong 15 năm mà không gặp vấn đề gì.

Nguồn:

https://www.theguardian.com/technology/2019/may/19/google-huawei-trump-blacklist-report