CFO của Huawei lập luận rằng bà nên được tại ngoại trong khi chờ đợi phiên tòa dẫn độ. Những lí do được nhắc đến bao gồm mối quan hệ lâu dài của bà với Canada, tài sản mà bà sở hữu ở Vancouver và lo ngại cho sức khỏe của mình trong khi bị giam giữ.

Giám đốc tài chính của Huawei, bà Meng Wanzhou, đang đấu tranh để được tại ngoại sau khi bị bắt vào ngày 1 tháng 12 tại Vancouver theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Bà đang phản đối yêu cầu dẫn độ trong khi Trung Quốc cũng bày tỏ sự phản đối việc bà bị bắt giữ với các quan chức Hoa Kỳ và Canada.

Bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính Huawei. Ảnh: The Guardian.

Bà Meng, 46 tuổi, đang đối mặt với những cáo buộc của Hoa Kỳ rằng bà đã đánh lừa các ngân hàng đa quốc gia về sự kiểm soát của Huawei với một công ty đang hoạt động tại Iran. Sự lừa dối này khiến các ngân hàng có nguy cơ vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã yêu cầu Canada thả bà Meng ngay lập tức. Vụ bắt giữ đã làm khuấy động thị trường toàn cầu và các nhà đầu tư lo ngại vụ việc sẽ làm tăng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong một bản tuyên thệ, bà Meng, con gái của người sáng lập Huawei, cho biết bà vô tội và sẽ tranh luận về các cáo buộc tại phiên tòa tại Hoa Kỳ nếu bà bị dẫn độ.

Một cửa hàng của Huawei. Ảnh: EPA.

Những diễn biến tại tòa

Gia đình bà Meng đảm bảo với tòa án rằng bà sẽ ở lại Vancouver nếu được tại ngoại. Chồng bà Meng cho biết ông dự định sẽ đưa con gái của họ đến Vancouver học. Phiên tòa xét xử việc tại ngoại của bà Meng sẽ tiếp tục vào thứ Ba.

Trước đó vào Chủ nhật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ để "phản đối mạnh mẽ" vụ bắt giữ, và nói rằng Hoa Kỳ nên rút lệnh bắt giữ.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng nói với Đại sứ Hoa Kỳ Terry Branstad rằng Hoa Kỳ đã đưa ra một "yêu cầu vô lý" đối với Canada trong việc giam giữ bà Meng khi bà đi quá cảnh qua Vancouver.

"Hành động của Hoa Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng các quyền hợp pháp của công dân Trung Quốc, và có bản chất vô cùng bẩn thỉu", Le nói với Branstad.

Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ rút lệnh bắt giữ, ông Le nói thêm. "Trung Quốc sẽ đáp trả thêm tùy thuộc vào hành động của Hoa Kỳ," ông nói nhưng không giải thích cụ thể những đáp trả này có thể là gì.

Ông Le cũng cảnh báo đại sứ Canada rằng sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu Canada không ngay lập tức thả bà Meng. Không có phản ứng tức thì từ Canada đối với tuyên bố này.

Những cáo buộc của Hoa Kỳ

Từ năm 2016, Hoa Kỳ đã điều tra việc liệu Huawei có vi phạm luật xuất khẩu và trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran và các quốc gia khác hay không, theo Reuters đưa tin hồi tháng Tư.

Vào tháng 12 năm 2012, Reuters đã báo cáo rằng các tài liệu cho thấy năm 2010, Skycom đã bán các thiết bị máy tính bị cấm vận cho Iran. Reuters sau đó đã báo cáo rằng Skycom có mối quan hệ chặt chẽ với Huawei và bà Meng.

Trong các ghi chép của tòa án Canada được công khai hôm thứ Sáu tuần trước, một cuộc điều tra của chính quyền Hoa Kỳ cho thấy Huawei vận hành Skycom như một "công ty con không chính thức" để tiến hành kinh doanh tại Iran.

Trong khi đó Huawei cho biết các hoạt động tại Iran của họ "tuân thủ nghiêm ngặt các luật, quy định và lệnh trừng phạt hiện hành" của Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu, theo các tài liệu của tòa án Canada công bố hôm Chủ nhật.

Các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc rằng bà Meng và các đại diện khác của Huawei đã đánh lừa các tổ chức tài chính về quyền kiểm soát thực sự của Huawei đối với Skycom, do đó, một tổ chức tài chính không xác định đã cho phép các giao dịch trị giá hơn 100 triệu USD liên quan đến Skycom đi qua Hoa Kỳ từ năm 2010 đến 2014, các ghi chép của tòa án cho biết. Điều này vi phạm luật cấm các công ty sử dụng hệ thống tài chính của Hoa Kỳ để phân phối hàng hóa và dịch vụ cho các đối tượng đang chịu lệnh trừng phạt.

Nguồn: