Thời hạn đã được thông báo cho Amazon và một liên minh 8 chính phủ Nam Mỹ để dàn xếp vụ tranh chấp kéo dài suốt 7 năm đối với tên miền “.amazon” cấp cao nhất.

Hai bên trên thực tế đều có tư cách và xứng đáng sở hữu tên miền này, song cả tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới lẫn các quốc gia (nơi dòng sông biểu tượng chảy qua) đều không đồng tình với một sự thỏa hiệp – BBC. Hơn nữa, vụ việc trên cũng nhấn mạnh quyền lực và tầm ảnh hưởng của Amazon khi có thể khiến cả những quốc gia bị lôi kéo vào tranh chấp địa chính trị.


Tám nước, bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela đã cùng nhau thành lập Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon (ACTO) để tìm cách ngăn chặn nỗ lực sở hữu hoàn toàn tên miền của Amazon. Theo một thỏa thuận do ACTO đề xuất, cái tên vẫn sẽ được cho phép sử dụng trên một số website liên quan, chẳng hạn kindle.amazon, tuy nhiên hầu hết những địa chỉ còn lại sẽ thuộc sở hữu của các quốc gia thành viên. Trong khi Amazon, về cơ bản đã đề xuất điều hoàn toàn ngược lại, cụ thể là từng quốc gia trong liên minh 8 nước sẽ được sở hữu một phiên bản sửa đổi của tên miền .amazon.

Tổ chức cấp số và tên miền internet (ICANN) đã cho Amazon và ACTO đến ngày 07/04/2019 để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đã không bên nào gửi thỏa thuận lên ICANN trước hạn chót, khiến vụ việc bị đẩy lùi đến ngày 21/04 – Business Insider cho biết.

Năm 2018, Amazon từng cố gắng giành được sự ưu ái bằng cách đề nghị cung cấp máy tính bảng, thiết bị đọc sách Kindle cùng dịch vụ hosting trị giá lên tới 5 triệu USD, song ACTO đã từ chối. “Chúng tôi không đi tìm kiếm sự bồi thường tài chính” – Đại sứ Ecuador Francisco Carrión viết thư cho ICANN. “Mặc khác, chúng tôi cũng không phải là kẻ dễ nhượng bộ tên miền .amazon cấp cao nhất để sử dụng một hoặc một vài cái tên thứ cấp.”

Nguồn: https://www.bbc.com/news/business-47794353