Thứ Năm ngày 7/6, tập đoàn Bayer của Đức đã trở thành cổ đông duy nhất của đối thủ của họ - tập đoàn Monsanto của Mỹ. Đây vừa là một đám cưới và một đám ma.

Hôn lễ thế kỷ của ngành hoá chất cuối cùng đã diễn ra sau hai năm thương lượng. Nó cũng mang đến một giấy báo tử: Monsanto, cái tên ghê tởm đối với các nhà sinh thái, biến mất vĩnh viễn.

Với DDT, "chất da cam" và glyphosate, ba loại chất độc đã đánh dấu trong lịch sử của nó, "Monsanto đã mang hình hài của quỷ", Franck Garnier, ông chủ của Bayer ở Pháp, kết luận. Ở Wall Street, vào thứ Năm, vị trí của Monsanto đã bị thay thế bởi Twitter trên chỉ số S&P 500. Các nhân viên, nhà máy cùng hoạt động của họ sẽ dần hòa vào với Bayer.

Tập đoàn lâu đời Bayer, được thành lập bởi Friedrich Bayer vào năm 1863, sẽ phải bắt đầu sự hòa nhập này với thay đổi sâu sắc. Quyền lực hơn nhiều so với trước kia trong ngành hoá chất nông nghiệp, nhưng cũng đầy nợ nần, khủng hoảng và đang chịu áp lực gia tăng từ các nhà bảo vệ môi trường.

Để mua được Monsanto với giá 63 tỷ USD, trả bằng tiền mặt, tập đoàn Bayer phải chịu thêm khoản nợ hơn 30 tỷ USD. Một viên đạn đại bác xích vào chân, ngay cả khi nó được giảm nhẹ đi hàng tháng.

Tất cả bắt đầu từ năm 2015. Thời điểm đó, Monsanto nhắm đến mục tiêu bành trướng. Để trở thành lãnh đạo hoàn toàn của hóa chất nông nghiệp, tập đoàn đến từ Saint-Louis (Missouri) định thâu tóm công ty Thuỵ Sĩ Syngenta. Một thất bại kép. Chiến dịch không chỉ hỏng, nó còn gây ra một làn sóng hợp nhất trong ngành. Chỉ trong vài tháng, Syngenta được bán cho ChemChina của Trung Quốc, và hai công ty của Mỹ là Dupont và Dow cũng xích lại với nhau.

Vào tháng 5/2016, ba tuần sau khi lên nắm quyền ở Bayer, CEO mới, Werner Baumann, tham gia vào cuộc chơi. Ông đặt giá hàng chục tỷ USD để mua Monsanto. Người tiền nhiệm của ông thì hoàn toàn gạt bỏ ý tưởng này mà ưu tiên một lĩnh vực khác của Bayer, dược phẩm. Monsanto chống cự trong vài tháng, sau đó chịu thua với thêm vài tỷ USD nữa. Bị nuốt chửng mà tưởng như vẫn còn đang cắn...

Với Bayer, thương vụ này là cơ hội cho một chiến lược. Trong khi một mặt mua Monsanto, mặt khác ông Baumann bán đi các hoạt động khác của Bayer trong ngành chất dẻo và hoá chất nặng, tập trung trong nhánh con Covestro. Kết quả là, tập đoàn có trụ sở ở Leverkusen này từ nay sẽ chỉ xuất hiện trong hai ngành lớn, dược phẩm và hoá chất nông nghiệp, mỗi thứ chiếm một nửa doanh số. Các nhà đầu tư, thường chỉ trích sự thay đổi của các doanh nghiệp, sẽ nhìn nhận Bayer mới với con mắt tán thành.

Về dược phẩm, nhà sáng chế ra aspirine chỉ đứng quanh hạng mười trên thế giới, mức bán đã chạm trần, và không có loại thuốc nào quan trọng được nghiên cứu trong các trung tâm của họ thời gian gần đây, theo các nhà phân tích. Dù vậy, họ có những sản phẩm thành công, đặc biệt là thuốc chống đông Xarelto và Eylea chống thoái hoá điểm vàng.

Và chính là nhánh hoá chất nông nghiệp mà việc mua lại Monsanto sẽ làm thay đổi số liệu. Bayer sẽ đột ngột lớn gấp đôi trên thị trường vốn biến động theo thời tiết và sức khoẻ của nông dân. Bayer sẽ trở thành số một thế giới về chất diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chất diệt nấm và cả hạt giống. Nhưng họ sẽ đối mặt với ba đối thủ không thể coi thường: ChemChina, Corteva (DowDuPont) và BASF. "Bayer dù sao cũng đã thảo luận rất kỹ, vì tập đoàn muốn giữ lại tất cả các giống biến đổi gien của Monsanto", theo văn phòng phân tích tài chính Morningstar. "Hoạt động hàng đầu của Monsanto, đó là khả năng sáng kiến trong lĩnh vực hạt giống. Người ta có thể hình dung, ví dụ như, có những hạt giống cần đến rất ít nước."

Nhưng cùng với Monsanto, Bayer cũng thu về những sản phẩm gây tranh cãi. Đặc biệt là glyphosate, chất diệt cỏ bán chạy nhất trên thế giới, được biết dưới nhãn hiệu Roundup. Một vài nước nhắm đến việc cấm chất này vì lý do tiềm tàng khả năng gây ung thư. Ở Pháp, dù vậy Monsanto đã thực hiện một cuộc vận động hành lang hiệu quả - ngày 29/5 vừa qua, các nghị sĩ đã từ chối đưa điều cấm này vào luật về nông nghiệp và thực phẩm.

Nguồn: