Tên lửa được chế tạo bằng công nghệ in 3D thật sự không còn quá mới mẻ, nhưng với kích thước cực lớn và còn được thiết kế cho mục đích tối ưu hóa nhờ sử dụng nhiên liệu tái tạo thì chắc chắn lại là chuyện hiếm có.

Orbex, một startup hàng không ở Anh vừa trình làng tên lửa hai tầng (second stage) khổng lồ của họ: Prime Rocket. Đó là một tên lửa nguyên khối, bao gồm cả động cơ được chế tạo bằng công nghệ 3D, lớn nhất thế giới – theo thông cáo báo chí. Cụ thể, toàn bộ thân tên lửa có chiều dài khoảng 17 m – gần bằng 1/3 kích thước của Falcon 9 (tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới do SpaceX của Elon Musk chế tạo và phóng thử nghiệm vào không gian). Nói vậy để thấy viễn cảnh về cuộc đua tàu vũ trụ (in 3D) đang được hâm nóng trên toàn thế giới khi màn ra mắt này của Orbex chỉ diễn ra một vài tuần sau thỏa thuận giữa Relativity Space (một start-up không gian khác của Mỹ) với Không lực Hoa Kỳ để phóng tên lửa (cũng được chế tạo bằng in 3D) từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở tiểu bang Florida.

Orbex đang hâm nóng cuộc đua tàu vũ trụ và tên lửa (làm bằng công nghệ in 3D). Ảnh: Twitter.

Orbex đang hâm nóng cuộc đua tàu vũ trụ và tên lửa (làm bằng công nghệ in 3D). Ảnh: Twitter.

Đại diện của Orbex cho biết, hãng đã làm việc cật lực và cộng tác với cả các kỹ sư hàng không của NASA lẫn European Space Association (Hiệp hội không gian Châu Âu) trong dự án Prime Rocket như là một phần của kế hoạch đầy tham vọng: phát triển và phóng những tên lửa đa tầng (multi-stage) có khả năng mang tàu vũ trụ vào quỹ đạo. Start-up 3 tuổi này khẳng định, đây là lần đầu tiên một động cơ tên lửa được chế tạo hoàn toàn từ một nguyên bản (nhờ in 3D) mà không cần tới các khớp nối, đồng nghĩa với việc nó sẽ có khối lượng nhẹ hơn khoảng 30% và đạt hiệu suất cao hơn tới 20% so với các tên lửa thông thường (kể cả loại có kích thước nhỏ hơn). Ngoài ra, việc không có các đường hàn và khớp nối cũng cho phép Prime Rocket chịu được nhiệt độ cực cao và biến thiên áp suất lớn tốt hơn nhiều. Chưa kể, tên lửa còn được thiết kế để sử dụng prô-pan sinh học (bio-propane), một loại nhiên liệu tái chế, khá sạch khi cháy và có thể giúp cắt giảm tới 90% lượng carbon phát thải.

Orbex thực sự đang rất nỗ lực nhằm tạo ra một sự đột phá lớn khi đàm phán để được sử dụng sân bay vũ trụ Sutherland (hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng) ở Scotland cho chuyến phóng thử đầu tiên – dự kiến diễn ra vào năm 2021. Ngoài ra, công ty còn hợp tác với Astrocast (một startup trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh) ở Thụy Sĩ để phóng khoảng 64 vệ tinh siêu nhỏ (nanosatellite) trong một kế hoạch đầy tham vọng khác: xây dựng mạng kết nối IoT (internet vạn vật) toàn cầu. Những động thái này rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy sự trỗi dậy, ở một nhịp độ cực kỳ khẩn trương của khu vực tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ với những tay chơi nổi bật như SpaceX, Relativity Space và nay là Orbex … nhờ sự trợ giúp đắc lực của những công nghệ kỳ diệu như in 3D.