Hướng tới mục tiêu tăng tính tự chủ quốc gia trong phát triển công nghệ không gian, chính phủ Ấn Độ đã thông qua khoản ngân sách 1,43 tỷ USD cho dự án đưa người lên vũ trụ vào năm 2022.

Tên lửa đẩy PSLV-C43 mang theo vệ tinh quan sát HysIS rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan (SDSC), đảo Sriharikota, ngoài khơi vịnh Bengal ngày 29/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tên lửa đẩy PSLV-C43 mang theo vệ tinh quan sát HysIS rời bệ phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan (SDSC), đảo Sriharikota, ngoài khơi vịnh Bengal ngày 29/11/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trao đổi với báo giới ngày 28/12, Bộ trưởng Thông tin và điện tử của Ấn Độ, ông Ravi Shankar Prasad cho biết dự án mang tên Gaganyaan sẽ phục vụ tham vọng của New Delhi tự chủ trong các chương trình thăm dò và nghiên cứu không gian vũ trụ.

Cụ thể, Ấn Độ đặt mục tiêu đưa 3 phi hành gia lên vũ trụ. Con tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh này dự kiến sẽ được phóng khoảng 40 tháng sau khi dự án Gaganyaan được thông qua

Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sau Nga, Mỹ và Trung Quốc có thể thực hiện sứ mệnh đưa người lên khoảng không vũ trụ.

Thông tin về dự án Gaganyaan lần đầu tiên được công bố vào tháng 8 vừa qua, nhân dịp Quốc khánh lần thứ 72 của Ấn Độ.

Trong bài phát biểu khi đó, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố New Delhi sẽ tự thực hiện một chuyến bay lên vũ trụ của tàu không gian có người lái với ít nhất một phi hành gia vào năm 2022, đánh dấu mốc lịch sử Ấn Độ kỷ niệm 75 năm ngày đất nước độc lập.

New Delhi đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ chinh phục không gian vũ trụ của mình. Trước đó, ngày 29/11, Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phóng vệ tinh quan sát Trái Đất HysIS và 30 vệ tinh đồng hành khác lên không gian.

Đây là lần thứ hai ISRO phóng thành công vệ tinh lên không gian. Ngày 14/11, cơ quan này đã phóng vệ tinh liên lạc GSAT-29 bằng tên lửa đẩy GSLV Mark III.

Tháng 7 vừa qua, ISRO thông báo kế hoạch thực hiện một chuyến bay của tàu người lái lên Mặt Trăng vào năm 2019.

Từ năm 2013, Ấn Độ đã phóng một vật bay theo quỹ đạo (orbiter) lên Sao Hỏa và năm ngoái, nước này đã lập kỷ lục thực hiện 104 vụ phóng vệ tinh lên vũ trụ.

New Delhi đang cạnh tranh mạnh mẽ với các nước khác về thị phần phóng vệ tinh giàu tiềm năng và hy vọng chương trình nghiên cứu không gian chi phí thấp của mình sẽ tạo thêm lợi thế.

Năm 2003, Trung Quốc đã lần đầu tiên đưa phi hành gia lên vũ trụ, nhưng chương trình nghiên cứu không gian Thần Châu của nước này tiêu tốn tới hơn 2,3 tỷ USD. Trong khi đó, giới chuyên gia ước tính Mỹ chi tới 110 tỷ USD cho sứ mệnh đưa người lên Mặt Trăng năm 1969 (tính theo thời giá hiện nay)./.