PGS.TS Bùi Thị Mai An vừa chia sẻ về tác động thực tế của cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” đối với ngành huyết học - truyền máu Việt Nam.

Mới đây, PGS.TS Bùi Thị Mai An, Trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã có những chia sẻ thú vị với báo Khoa học & Phát triển về những ứng dụng thực tiễn của cụm công trình của bà và các cộng sự tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Cụm công trình này vừa đạt giải thưởng Hồ Chí Mình về KH&CN năm 2016.

PGS-TS Bùi Thị Mai An (trái).

PGS-TS Bùi Thị Mai An cho biết: “Đây là cụm công trình được xuất phát từ thực tiễn, đã ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới về cả chuyên môn, kỹ thuật cũng như tổ chức hệ thống, có sáng tạo và cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cấp cứu và đảm bảo có đủ máu dự trữ cho điều trị. Cụm công trình được đánh giá là đã làm nên một cuộc cách mạng lớn, giúp đổi mới, hiện đại hóa rất nhiều công nghệ trong lĩnh vực truyền máu”.

Được biết, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” do GS.TS Nguyễn Anh Trí, PGS.TS Bùi Thị Mai An, TS. Ngô Mạnh Quân, BSCKII. Phạm Tuấn Dương, PGS.TS Bạch Khánh Hòa cùng nghiên cứu.

Cụm công trình này được nghiên cứu và phát triển từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2015. Nó giúp hoạt động truyền máu ở Viện Huyết học nói riêng và Việt Nam nói chung đạt được nhiều thành tựu lớn như sau:

- Tự sản xuất được bộ hồng cầu mẫu, bộ panel hồng cầu sàng lọc và định danh kháng thể bất thường tại Việt Nam, qua đó có thể xác định chính xác nhóm máu (36 nhóm máu); sàng lọc và định danh kháng thể bất thường; hoàn thiện quy trình bảo quản, vận chuyển và cung cấp cho cơ sở.

- Tự sản xuất thành công dung dịch nuôi dưỡng và bảo quản hồng cầu.

- Ứng dụng thành công kỹ thuật NAT vào sàng lọc người hiến máu, qua đó sớm phát hiện người hiến bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu.