Đậu tương (có nơi gọi đậu nành, đỗ tương) được trồng rộng rãi trên thế giới, từ lâu đã được coi là một phần thiết yếu của chế độ dinh dưỡng hằng ngày và được sử dụng thay thế thịt sữa, đặc biệt ở các nước châu Á, châu Mỹ. Tuy nhiên còn nhiều tin đồn về tác hại của đậu tương.

Đầu tiên chuyên gia dinh dưỡng Rhiannon Lambert của Anh quốc giải thích về lời đồn đàn ông không nên ăn đậu nành do chúng được xem là có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới. Điều này xuất phát từ yếu tố đậu nành giàu chất Isoflavones hay còn biết đến dưới tên gọi phytoestrogen, có cấu trúc gần giống nội tiết tố nữ nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể nam giới. Bà Lambert cho biết “Isoflavones không phải là estrogen và không có bằng chứng nào cho thấy đậu tương phá vỡ sự phát triển tình dục hoặc giảm mức độ testosterone của nam giới.” Đây cũng là hormon thực vật được tìm thấy trong hạt cà phê, táo, yến mạch, đậu lăng, gạo, cà rốt và bia.

Một tin đồn khác về đậu tương là chúng có thể gây ung thư. Đây là góc nhìn thu hút được khá nhiều sự chú ý và tranh cãi ở các nước Âu Mỹ do các nghiên cứu trái chiều về tác động tiêu cực của isoflavone bắt đầu xuất hiện từ những năm 1940.


Tiến sĩ Omer Kucuk, bác sĩ chuyên khoa ung thư của Viện Ung bướu Winship thuộc đại học Emory cho biết: “Cơ thể người có hai thụ quan estrogen: alpha và beta. Alpha là thụ quan xấu, nếu bám vào thụ quan này, nguy cơ ung thư vú sẽ tăng lên, khiến tế bào ung thư vú phát triển. Nhưng beta thì lại có tác động trái ngược. Isoflavone trong đậu tương thường có xu hướng bám vào các thụ quan beta”. Ông Kucuk cũng nói thêm các nghiên cứu cho thấy những nước tiêu thụ nhiều đậu nành như Nhật Bản hay Trung Quốc có xu hướng mắc ung thư thấp hơn so với chế độ dinh dưỡng phương Tây.

“Sự nhầm lẫn về việc liệu đậu tương có tốt hay xấu cho nguy cơ ung thư là do các hợp chất của đậu nành có thể bắt chước estrogen trong cơ thể - và một số bệnh ung thư phát triển trong sự hiện diện của estrogen”, Bà Lambert giải thích.

Một số nghiên cứu cho rằng việc ăn các thực phẩm từ đậu nành có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng mãn kinh nhất định, nhưng cũng có không ít nghiên cứu phản bác điều này. Từ góc độ thực tiễn, tiêu dùng các sản phẩm đậu tương dạng tự nhiên hay lên men như đậu phụ không gây ra vấn đề cho cơ thể.

“Về cơ bản, cứ mỗi nghiên cứu cho thấy bất lợi của đậu tương hoặc sự rối loạn nội tiết tố, lại có một nghiên cứu cho thấy lợi ích của nó,” Bà Lambert giải thích trên tờ The Independent. “Chúng ta không cần phải buộc dùng các sản phẩm từ đậu tương trong chế độ ăn uống hằng ngày nếu không thích ăn, nhưng cũng không nên lo lắng về việc tiêu thụ chúng.” Bà cũng bày tỏ nhận xét rằng đậu tương thường có giá cả phải chăng, bổ dưỡng, ngon và giúp con người đạt được chế độ ăn cân bằng dựa trên thực vật bằng cách giảm lượng tiêu thụ protein động vật, điều này góp phần mang lại lợi ích cho môi trường và phát triển nguồn thực phẩm bền vững.

Tuy vậy, việc dùng thực phẩm hay thực phẩm chức năng cung cấp isoflavone để ngăn ngừa hay điều trị ung thư không được đề xuất hay khuyến dùng. Khi sử dụng, người dùng cần chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể và nên có sự tư vấn từ chuyên gia y tế.