Một nghiên cứu mới cho thấy việc uống các loại thức uống quá nóng có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.

Trong số những người uống trà được theo dõi trong 10 năm, những người uống nhiều trà và thích uống rất nóng - trên 60 độ C (140 độ F) - có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao gần gấp đôi so với những người uống trà mát và ít uống trà hơn nói chung, các nhà nghiên cứu báo cáo trong Tạp chí Ung thư Quốc tế.

Uống trà quá nóng có thể tăng nguy cơ ung thư thực quản, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Ung thư Quốc tế cho thấy. Ảnh: Foxnews.

Các loại chính của ung thư thực quản là ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Cả hai đều phổ biến ở nam giới. Ung thư biểu mô tế bào vảy phổ biến nhất ở Đông Âu và Châu Á, trong khi ung thư biểu mô tuyến là phổ biến nhất ở Bắc Mỹ và các nước Tây Âu.

"Uống trà nóng là một thói quen rất phổ biến trên toàn thế giới, và các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa uống đồ uống nóng và tăng nguy cơ ung thư thực quản", tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Farhad Islami thuộc Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) tại Atlanta, Georgia, cho biết qua email.

Ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản là nguyên nhân gây tử vong do ung thư phổ biến thứ sáu trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, theo ACS, nguy cơ phát triển căn bệnh này là khoảng 1 trên 132 ở nam giới và khoảng 1 trên 455 ở phụ nữ.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại uống đồ uống rất nóng là chất có khả năng gây ung thư. IARC là cơ quan ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới. "Đồ uống rất nóng" theo khái niệm của IARC đề cập đến đồ uống nóng hơn 65 độ C, hay khoảng 149 độ F.

Bắt đầu từ năm 2004, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu của 50.000 người trưởng thành sống ở tỉnh Golestan ở đông bắc Iran, nơi tỷ lệ ung thư thực quản cao và người dân uống trung bình 1.100 ml (khoảng 37 ounce) trà đen mỗi ngày.

Giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu đã đo nhiệt độ trà mà người tham gia nghiên cứu uống. Các nhà nghiên cứu cũng hỏi mỗi người về sở thích của người tham gia đối với nhiệt độ trà, cũng như về việc họ uống sau khi rót bao lâu.

Vào năm 2017, có 317 người tham gia đã phát triển ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản. Những người thường xuyên uống trà ở nhiệt độ 60 độ C hoặc cao hơn có khả năng phát triển ung thư thực quản cao hơn 41% so với những người uống trà mát. Những người ưa thích uống trà rất nóng có nguy cơ mắc ung thư cao gấp gần hai lần rưỡi so với những người thích uống trà lạnh hoặc ấm. Và những người uống trà trong vòng hai phút sau khi rót có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 51% so với những người chờ sáu phút trở lên sau khi rót.

Nhìn chung, những người uống ít nhất 700 ml (24 ounce) trà hàng ngày ở nhiệt độ trên 60 độ C có nguy cơ cao hơn 91% so với những người uống ít trà hơn và uống ở nhiệt độ thấp hơn.

"Chúng tôi không yêu cầu mọi người ngừng uống trà, nhưng chúng tôi khuyên mọi người nên đợi một lúc cho đến khi đồ uống nguội đi trước khi uống", Islami nói.

Ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư thực quản, bao gồm sử dụng thuốc lá, rượu hoặc thuốc phiện và các yếu tố xã hội học, nguy cơ ung thư vẫn tăng cao với việc uống trà quá nóng.

"Đây có lẽ là nghiên cứu được thiết kế tốt và đầy đủ thông tin đầu tiên thực sự tìm đến những người được khảo sát để đo nhiệt độ đồ uống. Hầu hết những báo cáo trước đây dựa trên câu trả lời mà người được khảo sát tự cung cấp", Tiến sĩ Dirk Lachenmeier, một nhà hóa học thực phẩm và nhà độc chất học tại Cơ quan điều gia Hóa chất và Thú y, Karlsruhe, Đức, cho biết.

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu thêm, nhưng lý do rất có thể làm tăng nguy cơ ung thư là việc uống quá nóng liên tục gây viêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các mô cổ họng, Lachenmeier, người không tham gia nghiên cứu cho biết.

Các nghiên cứu mới cũng đang điều tra nhiệt độ đồ ăn được phục vụ trong nhà hàng và các hành vi làm mát đồ uống, chẳng hạn như sử dụng sữa, ông lưu ý.

"Ví dụ, các cơ sở phục vụ ăn uống có thể thay đổi nhiệt độ đồ ăn được phục vụ", ông nói trong một email. "Rất thường xuyên pha cà phê được pha ở nhiệt độ quá cao, điều này cũng không tốt cho hương vị của đồ uống."

Nguồn: