Ngoài việc được sử dụng để chế biến một số món ăn thì thân lá và cả rể của sương sâm đều có tác dụng chữa bệnh như giúp giảm cân, giải nhiệt, tốt cho phụ nữ mang thai, nhuận tràng, giải độc…

Cây sương sâm lông con. Ảnh minh họa.
Cây sương sâm lông con. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng sương sâm. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.


Đất trồng

Cây sương sâm có thể là cây dễ trồng dễ sống và phát triển tốt trên nhiều nền đáy khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ cho năng suất cao nhất nếu được trồng ở đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng.

Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

Giàn sương sâm.
Giàn sương sâm.

2. Chọn giống và trồng cây

Sương sâm có hai loại là lá trơn láng và loại lá hình quả tim có lông mịn (sương sâm lông, lá mối). Hạt giống sương sâm bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán hạt giống uy tín, chất lượng.

Trồng bằng hạt: Hạt giống mua về ngâm theo tỉ lệ: 4 sôi + 6 lạnh trước một đêm. Sau đó dùng khăn nhỏ, dày gói các hạt giống lại, làm ướt, buộc lại và treo chổ nào có nắng vừa cho đến khi nào hạt giống nứt ra. (thường là từ 7 - 10 ngày). Gieo hạt trực tiếp xuống đất đã chuẩn bị, lấp lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Trồng bằng cành: Chọn những cành khỏe mạnh, hơi già và có chiều dài khoảng 20cm rồi ghim lên phần đất đã chuẩn bị sẵn (độ nghiêng của cây so với mặt liếp khoảng 45 độ). Mỗi ngày tưới nước 2 lần nhằm tạo độ ẩm cho cây ra rễ.

Sương sâm lông.
Sương sâm lông. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Vào mùa khô ngày tưới nước 1 lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tới mùa mưa chú ý công tác thoát nước để tránh việc cây bị thối, úng.

Cứ mỗi tháng bón phân phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế, phân gà… nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây thường xuyên.

Khi cây ra ngọn nên làm giàn cho dây leo. Làm giàn từ cây tre, hay làm giàn như trồng khổ qua, dưa leo dây. Chú ý: Quấn ngọn định hướng để giúp dây leo dễ hơn.

Thường xuyên làm cỏ và vun xới cho cây.

Cây sương sâm lá trơn. Ảnh minh họa.
Cây sương sâm lá trơn. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Từ lúc dây bắt đầu bỏ ngọn và bắt đầu leo được khoảng 3 - 4 tháng sau thì có thể thu hoạch được, để lá càng xanh đậm càng tốt, khi vò sẽ cho ra sương sâm ngon hơn. Tùy theo mục đích sử dụng mà cắt nguyên đoạn thân hoặc hái lá.