Những em bé có triệu chứng chốc đầu dai dẳng chữa mãi không khỏi có thể đang phải đối mặt với một căn bệnh hiếm gặp có tên là hội chứng mô bào, còn gọi là bệnh tăng võng. Các triệu chứng bệnh này rất dễ bị nhầm với nhiều bệnh lý khác.

Trên trang web của Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh về một căn bệnh có tên hội chứng mô bào với triệu chứng điển hình là trẻ bị chốc đầu dai dẳng. Một trường hợp điển hình được đề cập đến là cháu bé 27 tháng tuổi đến từ Hải Phòng. Cháu hoàn toàn khỏe mạnh khi sinh nhưng tới 20 tháng tuổi thì xuất hiện triệu chứng chốc đầu, da đầu nhiều "cứt trâu".

Tại Bệnh viện Da liễu, cháu bé được chẩn đoán mắc bệnh chốc đầu, chỉ định điều trị bằng thuốc uống và thuốc bôi, nhưng sau 2 tuần tình trạng bệnh vẫn không cải thiện. Theo lời kể của gia đình, khi gội đầu, da đầu bé thường xuyên bị bong rồi lại lên những đợt mới. Bé ngứa gãi suốt ngày, da đầu chảy máu.

 Hình ảnh vùng da đầu tổn thương của bé trai mắc hội chứng mô bào
Hình ảnh vùng da đầu tổn thương của bé trai mắc hội chứng mô bào.

5 tháng sau (khi được 25 tháng tuổi), bé xuất hiện tình trạng nôn trớ khi ăn, có 1-2 cơn sốt mỗi ngày, nhiệt độ thường lên đến 39 độ C. Ngày 29/11/2016, gia đình đưa con đến khám tại bệnh viện nhi ở địa phương. Các bác sĩ nghi ngờ cháu bé mắc bệnh lý gan do men gan tăng cao nên đã chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

Kết quả thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy cháu bé có biểu hiện đái tháo nhạt, trên da có ban xuất huyết dạng sẩn; xét nghiệm phát hiện tổn thương ở gan và hình ảnh khuyết xương trên phim X-quang. Nghi ngờ trẻ mắc hội chứng mô bào , các bác sĩ đã tiến hành sinh thiết da. Kết quả sinh thiết xác nhận chẩn đoán nói trên. Bệnh nhi được chăm sóc và điều trị hóa chất tại Khoa Huyết học lâm sàng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nam - Phó trưởng khoa Huyết học lâm sàng, các tế bào bạch cầuLangerhans đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại virus, vi khuẩn và các yếu tố xâm nhập khác. Ở các bệnh nhân mắc hội chứng mô bào, tế bào Langerhans nhân lên bất thường, gây ra tổn thương cho hệ thống tạo máu, mô xương, gan, lách, da, phổi…

Với các trường hợp bệnh nhi có biểu hiện bệnh ban đầu là tổn thương da như cháu bé trên, trẻ được gia đình đưa đi khám da liễu và được chỉ định thuốc bôi ngoài da. Do không giải quyết đúng căn nguyên, sau một thời gian, tình trạng bệnh sẽ nặng lên do tổn thương đã di chuyển đến các bộ phận khác.

Các biểu hiện của bệnh tăng mô bào:

– Tổn thương xương: có thể sưng chỗ ngoài da vùng xương tổn thương, đau xương, X-Quang có hình ảnh tiêu xương, khuyết xương mà không có phản ứng màng xương.

– Có thể có lồi mắt, hay viêm tai giữa.

– Tổn thương ngoài da: tổn thương da thường gặp là ban xuất huyết dạng sẩn (các nốt sần lan tỏa như chàm bã nhầy, kèm theo chấm và nốt xuất huyết).

– Tổn thương hệ tạo máu: Thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu.

– Tổn thương ở gan: Gan to, rối loạn chức năng gan.

– Lách to.

– Hạch to.

– Tổn thương ở phổi: Có thể có ho, khó thở. Chụp phổi có hình ảnh thâm nhiễm nốt rải rác, hay sơ hóa phổi lan tỏa giống hình ảnh lao kê.

– Tổn thương thần kinh trung ương: hay gặp nhất là ở vùng tuyến yên dưới đồi gây đái nhạt.

– Toàn thân: sốt, sụt cân.

Việc chẩn đoán cần có đánh giá của bác sỹ chuyên khoa huyết học và khẳng định chẩn đoán bằng sinh thiết chỗ tổn thương làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.

Gia đình và các bác sĩ cần nghĩ đến khả năng bệnh nhi mắc hội chứng mô bào khi trẻ có một hoặc nhiều các triệu chứng trên, đặc biệt nếu có các biểu hiện ngoài da điển hình, viêm tai giữa tái đi tái lại, khuyết xương, đái tháo nhạt.