Hà Nội cần khoảng 20-30 trạm quan trắc không khí, thực tế hiện chỉ có 2 trạm hoạt động và chỉ đo được các thông số cơ bản. Trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí gần đây thường xuyên ở mức màu cam và đỏ và thiết bị quan trắc do Mỹ tặng đã phát hiện được thủy ngân.

Cả tuần báo động đỏ và cam

Chưa tính đến việc phát hiện thủy ngân trong không khí tại một điểm ở Hà Nội (xem báo Khoa học và Phát triển số 17, ra ngày 21/4/2016 hoặc phiên bản điện tử tại khoahocphattrien.vn), chất lượng không khí thủ đô cũng đã trở thành mối đe dọa lớn với sức khỏe con người, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Hà Nội chỉ có 2 trạm quan trắc không khí đang hoạt động. Tra cứu và trình bày: Báo Khoa học và Phát triển
Hà Nội chỉ có 2 trạm quan trắc không khí đang hoạt động.
Tra cứu và trình bày: Báo Khoa học và Phát triển

Kết quả quan trắc tại điểm 556 Nguyễn Văn Cừ do Trung tâm quan trắc môi trường công bố cho thấy, trong 1 tuần từ 25/5-31/5, có 5 ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức báo động màu cam (AQI từ 101-200 - mức cảnh báo những người có sức khoẻ nhạy cảm hạn chế ra ngoài), 2 ngày còn lại ở mức báo động đỏ (AQI từ 200-300 - mức cảnh báo mọi người hạn chế ra ngoài). Nếu xem số liệu trong 30 ngày gần nhất (2/5-31/5), chỉ có 2 ngày chất lượng không khí được đánh giá là trung bình, không có ngày không khí chất lượng tốt.

TS Lê Hoàng Lan - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - khẳng định: “Chắc chắn không khí Hà Nội đang ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài vấn đề ô nhiễm bụi mịn, chúng ta cũng nên cẩn thận với chất hữu cơ (LHL1) như benzen chẳng hạn”.

“Thông thường khi đốt than tổ ong, chúng ta chỉ nghĩ tới CO2, CO là những khí độc có thể gây chết người; nhưng việc trộn than tổ ong với chất phụ gia giúp dễ cháy thường sinh ra các chất hữu cơ đa vòng - là chất gây ung thư cho người hít phải” - bà Lan nêu.

GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - cho biết, những năm gần đây ông thường xuyên cảnh báo các nhà quản lý môi trường về sự xuất hiện của chất hữu cơ bay hơi VOC chủ yếu phát sinh từ các cây xăng, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (sơn, gỗ ghép) hay chất tẩy rửa, thuốc diệt côn trùng.

“Cơ quan chức năng chưa công bố số liệu cụ thể, nhưng có thể khẳng định 100% các điểm đo đều cho kết quả vượt tiêu chuẩn cho phép. Đây là điều đáng báo động, bởi chất hữu cơ bay hơi VOC độc hại hơn nhiều so với bụi. Nếu tiếp xúc ít, nó có thể gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, còn nếu tiếp xúc trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư” - GS Đăng phân tích.

Không đo được thủy ngân

Không khí ô nhiễm là điều người Hà Nội có thể nhận biết ngay bằng cảm quan, còn các số liệu được công bố gần đây chỉ là kết quả của vài điểm quan trắc ít ỏi. Theo GS Phạm Ngọc Đăng, thủ đô hiện chỉ có 2 trạm quan trắc còn hoạt động (một ở đường Pháo Đài Láng và một ở đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm), không đủ đánh giá chất lượng không khí cả thành phố bởi kết quả đo chỉ mang tính chất cục bộ.

Biểu đồ tỷ lệ người lớn từng mắc các bệnh về đường hô hấp ở Hà Nội và TPHCM.
Biểu đồ tỷ lệ người lớn từng mắc các bệnh về đường hô hấp ở Hà Nội và TPHCM.

Trong khi đó, TS Đặng Dương Bình - nguyên Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên, Môi trường (TN&MT) và Nhà đất Hà Nội (nay là Sở TN&MT Hà Nội) - cho biết, để quản lý tốt hệ thống không khí, Hà Nội cần có mạng lưới quan trắc khoảng 20-30 trạm.

Theo tiết lộ của GS Đăng, trước đây Hà Nội được tài trợ 7-8 trạm quan trắc đặt ở các địa điểm như Đại học Xây dựng Hà Nội (đường Giải Phóng), Đại học Quốc gia Hà Nội (đường Cầu Giấy), khu vực Lạc Long Quân... Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, do không được bảo trì, bảo dưỡng vì hết kinh phí tài trợ, các thiết bị này đã hỏng và trở thành sắt vụn.

Khả năng của các trạm quan trắc tự động cũng hạn chế. PGS-TS Nghiêm Trung Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, các máy quan trắc thường chỉ đo được những thông số cơ bản như bụi (PM10, PM2,5), NO2, SO, CO2, ozon hoặc chì, có thể sẽ lắp thêm modul để đo các chỉ số khác. Muốn đo các chỉ số phức tạp và đảm bảo độ chính xác cao thì phải lấy mẫu mang về phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định: “Ưu thế của quan trắc tự động là đo được liên tục, thường xuyên và có ý nghĩa lớn với việc cảnh báo về sự cố môi trường”.

Trả lời Báo Khoa học và Phát triển, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, hằng năm sở tiến hành các chương trình quan trắc có liên quan đến chất lượng không khí, tập trung đo đạc các thông số như tiếng ồn, CO, NO2, SO2; C6H6 (benzen), bụi lơ lửng và toluen. Các chương trình trên được thực hiện bằng phương pháp thủ công, với quy trình lấy mẫu và phân tích theo quy định của Bộ TN&MT (sử dụng nhân lực và đưa thiết bị đến lấy mẫu, phân tích với số lần và thời gian nhất định); tần suất quan trắc thường từ 2-6 lần/năm.

Trong khi đó, cơ quan này cũng thừa nhận, để đánh giá, theo dõi, cập nhật liên tục diễn biến của chất lượng môi trường không khí, phải quan trắc bằng các trạm quan trắc cố định, tự động và liên tục.

Về thủy ngân - chất đã được phát hiện tại điểm đặt chiếc máy quan trắc mà Mỹ tặng ở Hà Nội, Sở TN&MT Hà Nội cho biết với trang thiết bị và công nghệ hiện tại, các trạm quan trắc thuộc Tổng cục Môi trường và Trung tâm quan trắc TN&MT Hà Nội cũng như phòng thí nghiệm của các trung tâm quan trắc khác trên địa bàn chưa đủ khả năng để xác định hàm lượng thủy ngân trong không khí.