Các nhà khoa học Anh đã tìm ra một "gen chủ" quyết định việc mang thai có thành công hay không. Phát hiện này mang đến triển vọng điều trị vô sinh với chi phí thấp cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Nghiên cứu này được chính phủ Anh tài trợ và thực hiện bởi nhóm khoa học gia đến từ Viện Francis Crick. Họ đã chứng minh được rằng việc chỉnh sửa gene trong giai đoạn đầu của phôi hứa hẹn một bước đột phá trong việc cải thiện kết quả IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), giúp các cặp vợ chồng dễ dàng có con hơn mà không phải khổ sở và chi một khoản phí khổng lồ cho nhiều lần thất bại.

Tìm ra "gen chủ" giúp mang thai thành công - 1

Một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu đang làm việc tại phòng thí nghiệm - ảnh: BBC.

Thí nghiệm được tiến hành dựa trên 41 phôi người được các bệnh nhân IVF hiến tặng. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gen Crispr/Cas9 để cắt chính xác DNA, loại bỏ một gen có vai trò sản xuất ra một protein mang tên OTC4.

Họ phát hiện ra OTC4 tối quan trọng cho phôi để trở thành một phôi nang – một quả bóng nhỏ gồm khoảng 200 tế bào xuất hiện 1 tuần sau thụ thai, đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của phôi thai. Chỉ khi phôi đạt đến giai đoạn phôi nang này thì mới có cơ hội cấy ghép vào dạ con.

Theo như những gì nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature, chưa đầy 1/5 phôi thử nghiệm có thể đạt đến giai đoạn phôi nang mà không có OCT4. Chưa kể, giai đoạn phôi nang mới chỉ là nấc thang đầu tiên trong quá trình hình thành một bào thai, tức không phải tất cả phôi nang trong con số 1/5 đó có cơ hội phát triển thành một đứa trẻ.

Phát hiện này đặt ra kỳ vọng phát triển một kỹ thuật chỉnh sửa gen trong IVF, nhằm tăng cao tỉ lệ thành công của kỹ thuật này. Khoảng 1/4 các cặp vợ chồng hiện nay gặp trục trặctrong sinh sản. Phụ nữ hiếm muộn dưới 35 tuổi chỉ có khoảng 32.2% cơ hội thành công khi tiến hành IVF. Tỉ lệ này giảm xuống còn 27,7% ở phụ nữ 35-37 tuổi và 20,8% khi họ 38-39 tuổi.

Các nhà khoa học đã cố gắng thực hiện các thí nghiệm một cáchnhanh chóng, bởi theo luật pháp ở Anh, phôi người hiến tặng chỉ có thể được sử dụng trong vòng 14 ngày sau khi thụ tinh, miễn là chúng chưa được cấy ghép. Sau mốc 14 ngày, họ buộc phải tiêu hủy chúng – đó là một trong các khó khăn của thử nghiệm. Tuy nhiên, việc tìm ra "gen chủ" đóng vai trò sản xuất ra OCT4 đã là bước đột phá lớn.

Công trình vẫn gây ra nhiều tranh cãi bởi nhiều người vẫn phản đối việc chỉnh sửa phôi, tạo ra cái gọi là "trẻ sơ sinh được thiết kế" bằng cách thay đổi các giá trị di truyền.