Nghiên cứu mới công bố của Đai học Y tế và Khoa học Oregon và Đại học bang Oregon (Mỹ) đã phát hiện cách thức aspirin ngăn chặn sự lây lan của một số loại tế bào ung thư, đặc biệt là một số dạng ung thư tuyến tụy và đại tràng.

Aspirin đang được kỳ vọng sẽ trở thành một vũ khí chống ung thư. Ảnh: Nbcnews

Nhiều năm qua, các nhà khoa học nhận thấy một lượng nhỏ aspirin có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, nhưng chưa làm rõ được cơ chế chính xác của hiệu ứng này.

Nghiên cứu mới công bố của Đai học Y tế và Khoa học Oregon và Đại học bang Oregon (Mỹ) đã phát hiện cách thức aspirin ngăn chặn sự lây lan của một số loại tế bào ung thư, đặc biệt là một số dạng ung thư tuyến tụy và đại tràng.

Trong nghiên cứu kể trên, các nhà khoa học phân lập ba loại tế bào ung thư (từ đại tràng đến tuyến tụy) và đánh giá cách chúng phản ứng với aspirin. Kết quả là sự tăng trưởng và nhân rộng của các tế bào ung thư kể trên đã chậm lại đáng kể khi bệnh nhân dùng aspirin. Tuy nhiên, các tế bào đại tràng di căn (khối u đã lan rộng đến các mô khác bên ngoài đại tràng) vẫn tiếp tục tái tạo, bất chấp việc dùng aspirin.

Nhóm nghiên cứu cho rằng hiệu ứng xảy ra do tác động của aspirin đối với tiểu cầu - tế bào máu tham gia vào quá trình đông máu. Trong trường hợp của các mô ung thư, tiểu cầu tăng cường phát triển bằng cách giải phóng các protein nhất định. Khi dùng aspirin, hiệu ứng này giảm mạnh và tiểu cầu không thể kích thích sự tăng trưởng của các mô ung thư - ít nhất là trong trường hợp u không di căn - các nhà nghiên cứu nói.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự khác biệt quan trọng và độ đặc hiệu trong cơ chế tác dụng của aspirin liều cao và liều thấp đối với các tế bào ung thư di căn và không di căn có nguồn gốc khối u khác nhau” - nhóm nghiên cứu cho biết.

Phát hiện mới sẽ mở ra con đường mới cho cả việc phòng và điều trị một số loại ung thư.