Mì chính chỉ gây hại khi được tiêu thụ bởi những cá nhân nhạy cảm, và tiêu thụ trên 3 g mỗi lần, không tiêu thụ cùng thức ăn.

Hiện nay, rất nhiều gia đình không dùng mì chính trong các bữa ăn hàng ngày vì cho rằng loại gia vị này không tốt cho sức khỏe. TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho hay mì chính, hay bột ngọt, có tên khoa học là monosodium glutamate (MSG), công thức hóa học là NaC5NO5H8, là một chất tăng hương vị cho món ăn (flavor enhancer) thường được sử dụng để cho thêm vào món ăn của một số nước châu Á (Trung Quốc, Việt Nam), và các loại rau đóng hộp, súp và thịt chế biến sẵn.

Ở Việt Nam, các nguồn nguyên liệu chính được sử dụng để lên men mì chính là tinh bột sắn (khoai mì) và mật mía. Quá trình lên men tạo ra mì chính cũng tương tự như quá trình lên men tạo ra sữa chua, giấm và rượu. Sử dụng mì chính đúng cách với lượng vừa phải có thể làm tăng hương vị của món ăn, tăng tiết nước bọt, giúp một số người ăn ngon miệng hơn.

Mì chính được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) phân loại là một thành phần thực phẩm “tương đối an toàn", cùng nhóm với muối và hạt tiêu.

  Nhiều người không ăn mì chính do sợ tác hại. Ảnh: Health.
Nhiều người không ăn mì chính do sợ tác hại. Ảnh: Health.

Chức năng của glutamate trong cơ thể là một chất dẫn truyền thần kinh ở trong não.

Theo TS Sơn, một số người cho rằng mì chính sẽ dẫn đến tình trạng thừa glutamate trong não và việc dư thừa này sẽ kích thích quá mức các tế bào thần kinh. Vì vậy, mì chính được liệt vào danh sách các chất kích thích gây nhiễm độc (excitotoxin).

“Việc thừa glutamate trong não có thể gây hại và việc sử dụng mì chính liều cao có thể sẽ làm tăng huyết áp của con người. Tuy nhiên, sử dụng mì chính với lượng hàng ngày, như trong các bữa ăn, thì gần như có rất ít, thậm chí là không có ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ con người, bởi chỉ có một lượng rất nhỏ mì chính có thể đi qua được hàng rào máu não của con người”, TS Sơn cho hay.

Theo chuyên gia này, mì chính sẽ chỉ gây hại đối với người dị ứng loại gia vị này và tiêu thụ trên 3 g mì chính mỗi lần, không tiêu thụ cùng thức ăn. Tuy nhiên, lượng mì chính thông thường được thêm vào các món ăn chỉ là dưới 0,5 g, rất hiếm các trường hợp món ăn sử dụng trên 3 g mì chính.

“Các nhà khoa học vẫn chưa có bằng chứng hoàn thiện cho thấy mì chính là một chất kích thích gây độc khi sử dụng ở liều thông thường”, TS Sơn nói.