Các nhà khoa học Mỹ vừa thử nghiệm thành công vaccine phòng chống virus Zika trên động vật trong phòng thí nghiệm, mở ra hy vọng sớm sản xuất vaccine dành cho người nhằm ngăn ngừa loại virus đang lây lan nhanh chóng này.

Ông Dan Barouch, Giám đốc Trung tâm Siêu vi khuẩn học và Nghiên cứu vaccine thuộc Trường Y Harvard - đồng tác giả của công trình thử nghiệm này cho biết 2 mẫu vaccine được thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm đã giúp ngăn chặn hoàn toàn virus Zika.

Theo ông, kết quả lạc quan này cho thấy có thể phát triển thành công loại vaccine chống virus Zika dành cho người. Đáng chú ý, 2 mẫu vaccine này được thử nghiệm với một liều duy nhất.

Một công trình nghiên cứu khác cũng do các nhà khoa học Mỹ thực hiện được công bố trên Tạp chí Nature Communications cho kết quả lạc quan tương tự.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin-Madison đã tiến hành thử nghiệm một mẫu vaccine trên loài khỉ nâu. Kết quả cho thấy vaccine giúp bảo vệ hoàn toàn vật chủ trước loại virus này. Theo đồng tác giả công trình nghiên cứu Dawn Dudley, việc thử nghiệm vaccine cho thấy những người từng bị nhiễm virus Zika ít có khả năng nhiễm bệnh trở lại trong tương lai, kể cả trong giai đoạn thai kỳ.

Những kết quả nghiên cứu trên mở ra hy vọng sẽ sớm sản xuất thành công vaccine phòng chống virus Zika ở người. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết việc tiến hành thử nghiệm các mẫu vaccine này trên người sẽ phải mất thêm nhiều tháng nữa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm Zika. Riêng tại Brazil, kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 4/2015 đến nay, đã có hơn 1,5 triệu ca nhiễm được phát hiện.

Hiện có hơn 60 công ty và các viện nghiên cứu tham gia phát triển vaccine phòng chống Zika, trong đó có 18 mẫu vaccine dành riêng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.