Các nhà khoa học đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên sử dụng liệu pháp miễn dịch với tế bào giết tự nhiên (Natural killer cell) có nguồn gốc từ tế bào trên người để chữa ung thư giai đoạn cuối.

Tế bào giết tự nhiên Natural killer cell có thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.
Tế bào giết tự nhiên Natural killer cell có thể nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư.

Trung tâm của liệu pháp miễn dịch

Ung thư là căn bệnh gây chết người lớn thứ 2 trên toàn thế giới sau bệnh tim. Ở Mỹ, ước tính khoảng 606.880 người chết vì ung thư vào năm 2019.

Với sự ra đời của liệu pháp miễn dịch, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể tăng cường hệ miễn dịch của người để chiến đấu và tiêu diệt khối u một cách hiệu quả. Cùng với hóa trị, phẫu thuật và xạ trị, phương pháp trị liệu mới này đã trở thành một trụ cột thứ tư trong điều trị ung thư. Việc ra đời liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư cũng đã thay đổi hoàn toàn bối cảnh điều trị cho các bệnh ung thư.

Đóng vai trò quan trọng trong liệu pháp truyền tế bào và ức chế chốt kiểm soát (checkpoint) miễn dịch của danh mục liệu pháp miễn dịch là các tế bào giết tự nhiên (NK cell). Loại tế bào bạch cầu đặc biệt này trở thành một công cụ đầy tiềm năng trong việc rút ngắn hoạt động của các tế bào ung thư. Chúng có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa San Diego (UC) thuộc Đại học Canifonia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng với sự hợp tác của Công ty Fate Therapeutics trong suốt 4 năm để nghiên cứu sử dụng riêng các tế bào NK hoặc kết hợp tế bào NK với các chất ức chế chốt kiểm soát miễn dịch trong trị liệu cho những bệnh nhân có khối u rắn tiến triển.

Thông thường, tế bào NK được phân lập từ máu của người hiến hoặc bệnh nhân. Trong thử nghiệm này, liệu pháp miễn dịch thuốc (off - the – shelf) tế bào NK lần đầu tiên được các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ sử dụng các tế bào có nguồn gốc từ các tế bào gốc đa tiềm năng cảm ứng (iPS).

iPS – nguồn tế bào ưu việt

Các nhà khoa học lần đầu tiên phát triển tế bào iPS vào năm 2006 bằng cách chuyển đổi bốn gene không hoạt động trong tế bào da. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn các đặc điểm của các tế bào chức năng và đưa chúng trở lại trạng thái giống như phôi thai. Hiện nay iPS đang được coi là nguồn tế bào đầy ưu việt vì chúng có đặc tính như tế bào gốc phôi, có khả năng tự làm mới và phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể mà việc ứng dụng vào lâm sàng không vi phạm đạo đức sinh học. Mặt khác, chỉ với 1 tế bào iPS cũng có thể nhân lên với một lượng lớn. Do đó, iPS trở thành nguồn tế bào đầy tiềm năng cho liệu pháp thuốc tế bào sản xuất ở quy mô lớn với chi phí sản xuất hợp lý.

Năm 2013, tiến sĩ Dan Kaufman, ở Khoa Y học tái tạo và là Giám đốc trị liệu tế bào tại Trường Y khoa UC San Diego cùng với nhóm của ông đã phát triển một phương pháp tăng sinh để nhân số lượng lớn tế bào NK từ tế bào iPS của con người nhằm điều trị ung thư.

Họ đã công bố phương pháp này trên tạp chí Stem Cells Translational Medicine. Sau khi thử nghiệm tiền lâm sàng rộng rãi, tháng 11/2018 Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho phép tiến sĩ Kaufman và Công ty Fate Therapeutics thiết lập một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I để thử nghiệm liệu pháp miễn dịch NK có nguồn gốc iPS ở những người có khối u rắn tiên tiến.

Thuốc tế bào trị ung thư đầu tiên

Thử nghiệm giai đoạn I bắt đầu vào tháng 2/2019 bao gồm 64 người mắc bệnh ung thư tiến triển, không thể điều trị được bằng các phương pháp truyền thống. Derek Ruff trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC) trong thử nghiệm có tên gọi FT500, là một phần của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I tại Trung tâm Ung thư Moores tại UC San Diego Health. Sau 10 năm có xu hướng thuyên giảm, căn bệnh ung thư của Ruff đã quay trở lại và giờ đây Ruff phải chịu đựng ung thư đại tràng giai đoạn IV. Mặc dù đã trải qua các đợt hóa trị tích cực, xạ trị giảm nhẹ và liệu pháp miễn dịch, tình trạng bệnh tật của anh vẫn đang tiến triển. Thử nghiệm FT500 được thiết kế với mục đích chính là đánh giá sự an toàn của liệu trình điều trị. Các mục tiêu khác là xác định mức độ mà các khối u đáp ứng với liệu pháp tế bào NK và tìm hiểu thời gian các tế bào ở lại trong cơ thể của người bệnh.

Derek Ruff trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC).
Derek Ruff trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị ung thư bằng liệu pháp tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSC).

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu sử dụng 4 phác đồ bao gồm chỉ tiêm các tế bào NK hoặc tiêm tế bào NK với 1 trong 3 chất (có tên nivolumab, pembrolizumab hoặc atezolizumab) ức chế điểm kiểm soát. Nhóm nghiên cứu tiến hành theo dõi các tế bào một lần mỗi tuần trong 3 tuần. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều được biết họ đang được điều trị bằng phương pháp nào.

“Đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt đối với lĩnh vực y học dựa trên tế bào gốc và liệu pháp miễn dịch ung thư”, tiến sĩ Kaufman giải thích trong một thông cáo báo chí. “Thử nghiệm lâm sàng này đại diện cho việc sử dụng đầu tiên các tế bào được sản xuất từ ​​các tế bào gốc đa năng cảm ứng có nguồn gốc từ người để điều trị và chống ung thư.”

“Cùng với Fate Therapeutics, chúng tôi đã có thể chỉ ra trong nghiên cứu tiền lâm sàng rằng chiến lược mới này để tạo ra các tế bào giết tự nhiên có nguồn gốc tế bào gốc đa năng cảm ứng người có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả trong nuôi cấy tế bào và trên mô hình chuột”, ông nêu.

Sẽ cần thời gian chờ đợi cho đến khi có kết quả thử nghiệm. Tuy nhiên, thử nghiệm này đã đem lại bước mở đường, không chỉ cho một thế hệ liệu pháp miễn dịch mới để điều trị ung thư mà còn cho các liệu pháp khác dựa trên tế bào iPS.

Triển vọng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, thuốc tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý thoái hóa đang được tiến hành. Điển hình là thuốc Cartilatist trong điều trị thoái khóa khớp gối và cột sống dưới sự hợp tác giữa Viện Tế bào gốc (trường ĐH KHTN TP. HCM) và Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư cũng đang được quan tâm. Các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ở mức tiền lâm sàng đã được thực hiện trong một thời gian dài (từ năm 2010), từ khi Viện Tế bào gốc còn là Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, trường ĐH KHTN TP.HCM. Một số đơn vị ứng dụng trong nước cũng đang sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư như Bệnh viện Quốc tế Vinmec, Trung tâm nghiên cứu gene và protein (Đại học Y Hà Nội)....

Đơn vị nghiên cứu đã có, đơn vị ứng dụng cũng sẵn sàng. Vì vậy, trong tương lai, nếu được định hướng một cách rõ ràng và quyết liệt từ nhà nước, nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp thì việc đưa ra một sản phẩm kết hợp giữa thuốc tế bào và liệu pháp miễn dịch để tạo ra thuốc tế bào trong điều trị ung thư có tính khả thi cao.