Có một nghịch lý là nhiều bậc cha mẹ chi rất mạnh tay cho những khoá học đắt đỏ, nhưng lại ít dành thời gian tìm hiểu kỹ về nó hay lên kế hoạch về con đường học hành của con. Hiệu quả đầu tư kiểu này không khác gì đánh bạc.

Đổ tiền tấn cho con học hè

Để con ăn học nên người thì bao nhiêu tiền cũng không tiếc, đó là tâm lý của phần lớn phụ huynh, thể hiện rõ trong cách chi cho khoản học hè. Việc điện thoại, hòm thư điện tử của các phụ huynh tràn ngập tin nhắn, email quảng cáo các khoá học hè ngay từ giữa tháng 5 phản ánh nhu cầu đó. Vì trẻ đã phải “nhồi kiến thức” cả năm nên khi nghỉ hè, phụ huynh thường tìm các khoá nâng cao tiếng Anh và kỹ năng sống, hoặc trại hè tại các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Australia, Singapore, Philippines…

Các em nhỏ trong ngày hội STEM do Công ty cổ phần  công nghệ DTT tổ chức. Ảnh: DTT
Các em nhỏ trong ngày hội STEM do Công ty cổ phần công nghệ DTT tổ chức. Ảnh: DTT

Chưa từng rời con quá nửa ngày nhưng hè này, chị Mai Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) quyết định cho con đi trại hè ở Mỹ: “Chi phí chuyến đi khá cao - hơn 100 triệu đồng, nhưng vì tương lai của cháu nên vợ chồng tôi cũng thấy thỏa lòng”.

Người mẹ này tiết lộ, gia đình bỏ ra số tiền lớn như vậy chỉ trong vài tuần lễ là để trẻ có cơ hội tận mắt chứng kiến nước Mỹ mà cháu thường thấy qua sách báo, phim ảnh: “Trăm nghe không bằng một thấy. Trình độ tiếng Anh của cháu cũng khá ổn, đi như thế này sẽ tạo cú hích, giúp cháu tự tin hơn trong giao tiếp. Chúng tôi cũng mong chuyến đi giúp cháu học được thêm nhiều kỹ năng sống khi xa cha mẹ”.

Việc tham gia trại hè quốc tế không còn xa lạ với nhiều gia đình. Dù chi phí không hề rẻ - từ khoảng 30 triệu đồng với nước gần Việt Nam như Singapore, Philippines đến cả trăm triệu với những nước xa xôi như Mỹ, Australia. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn không ngại cho con đi dù xét về khả năng tài chính, mức phí đó khiến họ phải ráng sức. Các gia đình ít điều kiện hơn thường chọn những khoá kỹ năng sống hay trại hè tại chỗ để luyện tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và các chương trình chơi mà học, mức phí khoảng 2-3 triệu đồng/tuần, chưa gồm tiền ăn.

Tiêu dùng thông minh trong giáo dục

Đánh giá cao ý thức đầu tư cho chuyện học hành của con trẻ, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không phải bậc phụ huynh nào khi làm việc này cũng là “người tiêu dùng thông minh”. Ông Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty văn hóa - giáo dục Long Minh, người chuyên bồi dưỡng các học sinh dự thi khoa học và kỹ thuật quốc tế Intel ISEF - nói: “Khi ngoại ngữ của con chưa giỏi, việc tham gia các trại hè nước ngoài chỉ gây tốn tiền”. Bà Trần Thị Dần - Giám đốc Trung tâm Tư vấn du học Sunrise Việt Nam - cũng cho rằng, rất khó kiểm định chất lượng các trại hè hay dịch vụ hè bởi không có tiêu chuẩn quy định.

Các em nhỏ tham dự lớp học dã ngoại tại Công viên Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Loan Lê
Các em nhỏ tham dự lớp học dã ngoại tại Công viên Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh: Loan Lê

Còn ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ DTT, một người rất tâm huyết với giáo dục - cho rằng: “Bố mẹ khi đầu tư cho con học cần bỏ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu khoảng 5 phần, bỏ tiền 5 phần để đạt hiệu quả 10 phần. Nhiều vị phụ huynh không phải là người tiêu dùng thông minh khi bỏ số tiền lớn cho con học mà như đi đánh bạc: Bỏ chỗ này 7 phần, chỗ kia 3 phần, thấy không đạt lại tiếp tục đầu tư, có khi đầu tư nhiều mà kết quả lại không như ý muốn”.

Một em nhỏ trong lớp học ngoại khoá hè của một trung tâm đào tạo và tư vấn giáo dục ở Hà Nội. Ảnh: PH
Một em nhỏ trong lớp học ngoại khoá hè của một trung tâm đào tạo và tư vấn giáo dục ở Hà Nội.
Ảnh: PH

“Cần hiểu rằng tiền không mua được mọi thứ. Muốn mua được món đồ ưng ý, chính việc đầu tư thời gian và công sức mới quyết định thành công, còn tiền chỉ là yếu tố cuối cùng để thực hiện” - ông Trung khẳng định và khuyên khi cho con đi học, bố mẹ nên coi đó là một dự án thử nghiệm. Để biết nó có thành công không thì phải có tư duy đo đạc dựa trên những chỉ số cụ thể. Có thể dựa vào ánh mắt con khi đi học về, tâm trạng con trước khi đến lớp, vai trò của con trong các hoạt động nhóm, khả năng khắc phục những nhược điểm trước đây của con… để đo sự thành công của khóa học.

Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, trong xã hội hội nhập sâu sắc, cần định hướng để con đáp ứng tiêu chuẩn công dân toàn cầu như năng lực đọc sách, tinh thần, khả năng lao động và tư duy lao động sáng tạo - điều mà học sinh Việt Nam rất thiếu.

“Tiếng Anh đang được dạy theo kiểu đổ tiền học nội dung, không quan tâm nền tảng văn hóa, hội nhập, khả năng giao tiếp. Kỹ năng công nghệ thông tin và đối thoại của học sinh còn kém” - ông Sơn nhận xét và cho rằng, thiếu sót này có thể được giải quyết nếu đưa giáo dục STEM vào trường học và vào định hướng bắt buộc của cha mẹ với con.

STEM là hình thức học khơi gợi sự tò mò, đam mê khoa học của trẻ qua các hoạt động vừa học vừa chơi, thực nghiệm những lý thuyết toán, lý, hóa, sinh… Ông cho rằng, chúng ta đang sống trong thế giới của máy tính kết nối mạng, khác với ngày xưa chỉ tương tác với con người và đồ vật vô tri. Phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế cho con sống trong thế giới đó thay vì hạn chế con dùng máy tính. Cần tư duy rằng làm sao sử dụng máy tính một cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề cuộc sống. “Đây là tư duy công nghệ thông tin và tư duy này gắn chặt với STEM” - ông Sơn nói.